Thời đại ngày nay, cuộc cách mạng 4.0 với sự phát triển, bùng nổ Công nghệ thông tin. Các loại thiết bị công nghệ (smartphone, máy tính bảng,…) ngày càng hiện đại, tinh vi cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ các nền tảng ứng dụng mạng xã hội: facebook, zalo, youtube, Tiktok, X,… với nhiều hình thức đa dạng: gọi video call, đăng tải, chia sẻ tin tức, phim ảnh, video clip,… dễ tiếp cận đến người sử dụng các thiết bị thông minh, nó đang chiếm dần ưu thế của các loại hình thông tin truyền thống như truyền hình, radio, báo viết,…
Mạng xã hội với nhiều lợi ích tích cực như: kết nối được với mọi người, rút ngắn khoảng cách về địa lý; một kênh tiếp nhận tin tức nhanh, các sự việc giật gân, nóng hổi nhiều người quan tâm, chia sẻ; là kênh giải trí sau những giờ làm việc mệt mỏi; kết nối, quảng bá sản phẩm, livestream bán hàng tiếp cận khách hàng đa dạng; phát triển các kênh giải trí kiếm thu nhập,...
Bên cạnh những lợi ích của mạng xã hội mang lại nhưng không thể phủ nhận nó còn rất nhiều mặt trái. Con người ngày càng lệ thuộc vào các thiết bị thông minh, các nền tảng mạng xã hội nó như một chất gây nghiện, nhiều người ảo tưởng, chìm đắm trong cái “cuộc sống ảo” theo đuổi những thứ hão huyền, theo trào lưu các Idol trên mạng mà quên đi thực tế đời sống; lãng phí thời gian, công sức. Tình trạng đáng báo động hiện nay trong giới trẻ nhất là “nghiện mạng xã hội” đã ảnh hưởng tới công việc, học tập, sức khỏe và trí tuệ suy giảm, thậm trí là gia đình tan vỡ, ngại giao tiếp với mọi người, nhiều trường hợp bị trầm cảm phải điều trị do nghiện mạng xã hội. Nhiều bài viết, video, clip trên internet, mạng xã hội có nội dung xấu, độc, mang tính kích động các hành vi bạo lực, lối sống tha hóa, buông thả,…
Các bài đăng với những tiêu đề, content tin tức giật gân nhằm thu hút người đọc nhưng hầu hết là các thông tin xấu, độc, bịa đặt, “đổi trắng, thay đen”, bóp méo sự thật, tuyên truyền sai lệch, xuyên tạc vấn đề, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu và định hướng dư luận bằng những luận điệu phản động, sai trái.
Các kênh, tài khoản của các đối tượng trên mạng xã hội thậm trí chúng còn làm giả các kênh, tài khoản chính thống của các cơ quan chức năng, người nổi tiếng, các chính khách,… để đưa ra các thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức; một số thông tin có những ngôn từ thô tục nội dung phản cảm, thậm chí soi mói, bình phẩm chủ quan chuyện đời tư của người khác, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội; vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục; kích động đồi trụy, bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống…
Đồng thời, các thông tin xấu độc đến từ các thế lực phản động, thù địch rất tinh vi, xảo quyệt lợi dụng các mạng xã hội làm công cụ để tuyển lựa cộng tác viên cũng như tuyên truyền xuyên tạc để tạo hiệu ứng dự luận, định hướng quần chúng; gây hiệu ứng tâm lý đám đông trên không gian mạng bằng cách huy động một số lượng lớn các tài khoản mạng xã hội (tài khoản ảo) gắn các biểu ngữ phản đối Đảng, Nhà nước để tạo ra hiệu ứng đám đông, từ đó người dùng mạng xã hội thường xuyên nhìn thấy các biểu ngữ phản đối hoặc những người không có lập trường tư tưởng vững vàng sẽ bị tác động thay đổi tư tưởng theo chiều hướng tiêu cực… Nội dung chúng tuyên truyền xuyên tạc: Chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và của cách mạng Việt Nam, hòng phủ định chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vu cáo, bôi nhọ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam, phủ nhận những thành tựu của sự nghiệp đổi mới; xuyên tạc lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử các cuộc kháng chiến, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân; xuyên tạc đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, đường lối bảo vệ Tổ quốc và đường lối đối ngoại của Đảng; tăng cường truyền đạo trái phép nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm quần chúng và kích động xu hướng ly khai, phá hoại sự thống nhất dân tộc quốc gia; đẩy mạnh các hành động “xâm lăng văn hóa” để áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống của nước ngoài, phá hoại bản sắc văn hóa của dân tộc thông qua sách, báo, văn hóa phẩm đồi trụy;…
Thời gian qua, các kênh thông tin, tài khoản chính thống (có tích xanh) trên mạng xã hội (facebook, zalo, youtube,…) của Chính Phủ, các cơ quan thông tin truyền thông đưa ra những thông tin, vụ việc đã được làm rõ để người đọc có thể tiếp cận và sàng lọc thông tin chính xác, đúng sự thật, nâng cao ý thức cảnh giác trước những thông tin rác, xấu, độc. Đồng thời, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều những trường hợp đăng tải, phát tán, chia sẻ những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Để là một người sử dụng mạng xã hội thông minh, mỗi người hãy lan tỏa những điều tích cực và có nhận thức về các quy định xử lý về việc đăng tải những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội đã được quy định rõ trong Luật An ninh mạng, các Thông tư, Nghị định và văn bản hướng dẫn liên quan. Cụ thể như sau:
(1) Điều 16 (Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 ngày 12/06/2018): Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Quy định:
1. Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước;
c) Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.
2. Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm:
a) Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân;
b) Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự.
3. Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm:
a) Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
4. Thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bao gồm:
a) Thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác;
b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán.
5. Thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
6. Chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm triển khai biện pháp quản lý, kỹ thuật để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này trên hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.
7. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp quy định tại các điểm h, i và l khoản 1 Điều 5 của Luật này để xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
8. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng và chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
9. Tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này phải gỡ bỏ thông tin khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
(2) Căn cứ Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định về xử phạt các vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội, như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
+ Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
+ Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
+ Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
+ Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
+ Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
+ Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
+ Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
+ Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài các hành thức xử phạt nêu trên, các đối tượng đăng tải thông tin xấu độc có thể bị xử lý hình sự (căn cứ Bộ Luật hình sự).
Chúng ta là những con người sống trong thời đại công nghệ thông tin, cần có kỹ năng, kiến thức để ngăn chặn, sàng lọc các thông tin xấu độc trên mạng xã hội để không cho các thông tin đó lan truyền dễ dàng. Cần thận trọng khi bình luận (comment), thích (like), chia sẻ (share) để tránh việc vô tình trở thành cầu nối giúp lan tỏa, cổ súy thông tin xấu độc. Khi phát hiện các bài viết có nội dung sai sự thật, người dùng kịp thời báo cơ quan chức năng để xử lý.
- CAX Hải Triều-