Nhằm đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn theo hướng phát triển nội lực, tạo ra sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện nhà đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP. Từ đó, tạo ra thu nhập, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.
Thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn, toàn huyện hiện có 21 sản phẩm OCOP trong đó có hai sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh, 19 sản phẩm đạt 3 sao cấp huyện. Thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới luôn được cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến đông đảo người dân, các hợp tác xã tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. Huyện đẩy mạnh rà soát và lựa chọn những sản phẩm thực sự có tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững, lâu dài, đồng thời kiểm soát chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể sản xuất lập hồ sơ công bố sản phẩm; xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến...

Giò Phố Xuôi- sản phẩm OCOP
Là hợp tác xã có đến 2 sản phẩm được xếp hạng ocop 3 sao và 1 sao gồm bưởi quả tươi, cam quả tươi và nhãn hương chi, thời gian qua hợp tác xã nông nghiệp sạch Duy Nhất đã không ngừng nỗ lực cố gắng để khẳng định thương hiệu chất lượng, uy tín của các sản phẩm trên thị trường. Theo đó, hợp tác xã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kĩ thuật để cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ông Đào Duy Nhất - Giám đốc hợp tác xã cho biết: Chúng tôi áp dụng kiến thức khoa học kĩ thuật nên sản phẩm mẫu mã đẹp, được hỗ trợ của các cấp, các ngành sản phẩm đầu ra dễ dàng, thuận lợi. Không chỉ tự hào với các sản phẩm truyền thống mà trong những năm gần đây huyện nhà còn xuất hiện thêm các sản phẩm mới như nấm mộc nhĩ, nấm linh chi, nấm rơm, nấm ò của hợp tác xã Nấm Thành Yên, Cải ngọt, cà chua, cà pháo của hợp tác xã rau an toàn Bình Minh.
Qua khảo sát đánh giá của UBND huyện, doanh số sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng trưởng bình quân 15 - 20% so với trước khi được công nhận. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã có các sản phẩm đạt 3 sao trở lên tham gia hội chợ triển lãm trưng bày và giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia các hội chợ OCOP thường niên của tỉnh…
Để tiếp tục nâng cao giá trị mặt hàng nông sản, hiện nay huyện đang tập trung chỉ đạo các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện tối đa cho các chủ thể tham gia xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm, hoạt động du lịch; phát triển số lượng sản phẩm OCOP gắn với nâng cao chất lượng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mai Hương-TTVH và TT huyện