Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, Đảng bộ huyện Tiên Lữ mặc dù tới đây theo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Hưng Yên được BCH Đảng bộ tỉnh thống nhất cao tại hội nghị lần thứ 37, dự kiến có 3 xã. Các xã sau khi ổn định, đi vào hoạt động và sẽ tiến hành đại hội nhiệm kỳ 2025- 2030. Đây không chỉ là dịp nhìn nhận lại 5 năm vừa qua mà còn là cơ hội để cán bộ, đảng viên và Nhân dân các xã tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần hoàn thiện những văn kiện trình đại hội lần thứ XIV của Đảng.
.jpg)
Huyện Tiên Lữ
Tiên Lữ là huyện nằm trong vùng trọng điểm lúa của tỉnh Hưng Yên, nằm ở phía đông nam của tỉnh, dân số trên 100 nghìn người, diện tích đất tự nhiên trên 73,01km2, là huyện nghèo so với các huyện trong toàn tỉnh. Trước khi tái lập huyện năm 1997, thu nhập chủ yếu từ cây lúa và cây màu vụ đông, ngoài ra công nghiệp chưa được phát triển chỉ có một số ngành tiểu thủ công nghiệp, nhưng thu lợi từ các ngành này còn rất thấp, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 1,8 triệu đồng/người (năm 1997). Ngay sau khi tái lập huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung nghiên cứu và chỉ đạo cán bộ đảng viên và nhân dân tích cực, chủ động phát triển kinh tế văn hóa xã hội, quốc phòng và an ninh. Đặc biệt từ sau Đại hội lần thứ XXVI, Đảng bộ đã xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là trọng tâm, 5 năm qua, Đảng bộ huyện Tiên Lữ đã đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng toàn diện trên cả 5 lĩnh vực: công tác chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở đã quan tâm, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt kịp thời đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới gần 100% cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, triển khai tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng tiêu cực từ huyện đến cơ sở. Việc xử lý kỷ luật nghiêm những đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công tác. Trong nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã triển khai các đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng: về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị với chủ đề “tự soi, tự sửa”; về nội dung các bài viết, tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng đã nghiêm túc chỉ đạo, tổ chức thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII và Kết luận số 21-KL/TW; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên tỉnh Hưng Yên theo Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 17/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm. Tổ chức phổ biến quán triệt, triển khai thực hiện rộng rãi, nghiêm túc Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay trong toàn Đảng bộ. Góp phần rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Việc triển khai, thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được thực hiện đồng bộ với các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, những điều đảng viên không làm, quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; tổ chức cho cán bộ, đảng viên tham gia viết, thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện hằng năm theo các nội dung học tập; đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, đạt kết quả tích cực. Cấp uỷ huyện và cơ sở coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo sơ kết, tổng kết, tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương "người tốt, việc tốt" nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, các công trình, dự án trên địa bàn... bằng nhiều hình thức phong phú, có tác dụng lan toả trong Đảng và trong xã hội.
Như đã nói ở trên, là huyện có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Phát huy những thuận lợi, vượt qua các khó khăn thách thức, trong nhiệm kỳ 2020-2025 Đảng bộ huyện Tiên Lữ đã quyết tâm xây dựng và chỉ đạo thực hiện mô hình phát triển kinh tế tích cực thu hút đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các trang trại chăn nuôi theo hướng tập trung, chuyên canh theo vùng sản xuất. Năm 2025, giá trị thu trên một ha canh tác đạt 250 triệu đồng (năm 2020 đạt 210 triệu đồng). Tổng diện tích cây hàng năm bình quân đạt 9.920 ha. Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao; tạo ra sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2021-2025: đã sử dụng máy 100% trong khâu làm đất và thu hoạch, trong gieo cấy lúa, diện tích cấy máy đang từng bước được mở rộng (năm 2024 đã áp dụng 386ha), phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái 50ha; thành lập mới 02 Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, huyện đã có 24 sản phẩm được tỉnh, huyện chứng nhận sản phẩm OCOP; có 28 tổ chức, cá nhân đã được chứng nhận VietGAP, VietGAHP. Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông lâm sản và thủy sản tại các Hội chợ xúc tiến thương mại.
Chăn nuôi được mở rộng theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp, định hướng phát triển các mô hình trang trại, tập trung xa khu dân cư; huyện có 113 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, cho thu nhập bình quân một trang trại đạt trên 2 tỷ đồng/năm. Huyện đã và đang tích cực triển khai thực hiện tốt các Chương trình, đề án, dự án được tỉnh hỗ trợ để góp phần phát triển chăn nuôi, thủy sản theo hướng an toàn sinh học, như: Đề án phát triển thủy sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2019-2025, Dự án chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, dự án nuôi cá bán nổi theo hướng VietGAP. Đến hết năm 2024, toàn huyện có 2.059 hộ nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm và 3.372 hộ nuôi động vật khác. Đàn lợn đạt 64.514 con, đàn trâu là 641 con, đàn bò là 3.165 con, đàn gia cầm là 1.241 ngàn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 19.396 tấn. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên 650 ha, tổng sản lượng trên 5.500 tấn. Công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi được thực hiện tốt đã giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại do bệnh dịch gây ra…
Nhìn lại 5 năm vừa qua, có thể dễ dàng nhận thấy, kinh tế huyện đã tăng trưởng nhanh và theo hướng bền vững, trong đó: Nông nghiệp tăng 2,56% (Mục tiêu 2%); Công nghiệp- XD tăng 9,84% (Mục tiêu 13,8%); Thương mại, dịch vụ tăng 10,54% (Mục tiêu 7,7%). Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp 11,8% - CN, XD 42% - Thương mại, dịch 46,2% (Mục tiêu 9,5% - 48,96% - 41,54%). Tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2020-2025 đạt 2.995,47 tỷ đồng (tăng 10,86% so với giai đoạn 2015- 2020). Thu nhập bình quân 1 ha canh tác/năm: 250 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người: 95 triệu đồng (Mục tiêu 90 triệu đồng). Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,55% (Mục tiêu dưới 1%). Có thêm 13 trường đạt chuẩn quốc gia. 98,2% làng, khu phố văn hóa; 94,5% gia đình văn hóa. tỷ lệ hộ nghèo còn 0,4% (mục tiêu 1,514/14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 7/14 xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu; 31 khu dân cư được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 80,5%. Tỷ lệ người tham gia BHYT đến năm 2025 đạt 96% dân số. Hằng năm, trên 90% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ; trên 85% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; kết nạp 100 đảng viên mới; trên 90% tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã đạt vững mạnh, cấp huyện đạt 100%; Số chính quyền cấp xã đạt vững mạnh trên 90%. Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; không có băng nhóm tội phạm.
Trong công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phát triển ổn định, có nhiều khởi sắc và phát triển mạnh so với đầu nhiệm kỳ. Đến hết năm 2024, trên địa bàn huyện có 2.135 cơ sở sản xuất tập trung ở các lĩnh vực: chế biến thực phẩm, chế biến sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất trang phục, duy trì việc làm ổn định cho khoảng 13.500 lao động với thu nhập bình quân 8-9 triệu đồng/người/tháng. Toàn huyện hiện có 405 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, có 48 hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, thương mại, dịch vụ và vận tải. Công tác thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp được chú trọng. Trong giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn huyện có 03 cụm công nghiệp được thành lập là cụm công nghiệp Ngô Quyền, cụm công nghiệp Thiện Phiến, cụm công nghiệp Dị Chế. Đến hết năm 2024, cụm công nghiệp Ngô Quyền đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng với diện tích 29,06ha, đạt 100% và đã trình cấp có thẩm quyền giao đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Cụm công nghiệp Dị Chế và Thiện Phiến đang hoàn thiện hồ sơ trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình HĐND, UBND tỉnh chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.
Trong nhiệm kỳ qua, BCH Đảng bộ huyện đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có những giải pháp để công tác giáo dục- đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao tiếp tục có bước phát triển, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động. Chất lượng giáo dục toàn diện của huyện luôn vững chắc và có bước phát triển. Cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; tỷ lệ phòng học kiên cố hóa tăng lên, đối với bậc mầm non đạt 98%, bậc phổ thông đạt 99%. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia luôn được quan tâm, hiện có 36/38 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 95%. Thực hiện sáp nhập các trường học trên địa bàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm 04 đầu mối sự nghiệp công lập. Công tác khuyến học, khuyến tài ở các cấp và trong cộng đồng dân cư ngày càng phát triển sâu rộng, góp phần tạo môi trường học tập không ngừng, học tập suốt đời, xây dựng ”xã hội học tập” trong các gia đình, dòng họ, địa phương, cơ quan, đơn vị. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được quan tâm, cơ sở vật chất cho công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh được tăng cường. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, kế hoạch hoá gia đình được coi trọng, đạt nhiều kết quả tích cực. Trung tâm y tế huyện được mở rộng, cải tạo, nâng cấp, đầu tư trang, thiết bị theo hướng hiện đại. Đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường về số lượng, nâng cao chất lượng. Triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Xã hội hoá y tế được đẩy mạnh, hình thành thêm nhiều cơ sở y tế tư nhân, đa dạng hoá các loại hình chăm sóc sức khỏe, góp phần đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh nhân dân. Đến hết năm 2024, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030 theo quy định của Bộ Y tế.
Hoạt động văn hóa, thông tin phát triển, nội dung và hình thức được đổi mới, đời sống nhân dân có những chuyển biến tích cực. Hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được quan tâm củng cố, tăng cường hoàn thiện, phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, tổ chức các sự kiện; Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức đa dạng, phong phú, thiết thực, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, tăng cường niềm tin vào sự lãnh đạo của của Đảng và sự nghiệp đổi mới đất nước. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được nhân dân quan tâm hưởng ứng, các danh hiệu văn hoá ngày càng thực chất, hiệu quả hơn; Duy trì thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa, Di tích lịch sử và tổ chức lễ hội.
Với truyền thống anh hùng cách mạng và những thành tựu đã đạt được trọng nhiệm kỳ 2020- 2025; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự ủng hộ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Tiên Lữ sẽ tiếp tục phát huy tối đa các nguồn lực và lợi thế về diện tích đất nông nghiệp và các tuyến đường của Trung ương, của tỉnh chạy qua địa bàn huyện, để từng bước xây dựng Tiên Lữ trở thành một địa phương có nông nghiệp – công nghiệp phát triển toàn diện, góp phần cùng các địa phương đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, vươn mình của dân tộc.
KC