Những năm gần đây, huyện Tiên Lữ đã phát triển đa dạng, đa ngành nghề và toàn diện trên các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp.
Một hộ chăn nuôi tại xã Thiện Phiến
Không chỉ có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện còn đang có sự phát triển sôi động về thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp… Bức tranh kinh tế của huyện Tiên Lữ hôm nay sẽ thấy nhiều màu sắc, khẳng định sự bứt phá, năng động và ngày càng bắt kịp với xu thế của thị trường. Trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn có thế mạnh về đất đai, nguồn lao động, nay lại gắn với yếu tố hàng hóa, thị trường nên phát triển mạnh mẽ. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 653 tỷ đồng, tăng 2,87% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó trồng trọt 244,84 tỷ đồng, tăng 1,16% so với cùng kỳ năm 2023; chăn nuôi 322,815 tỷ đồng, tăng 4,84% so với cùng kỳ năm 2023; nuôi trồng thủy sản 62,866 tỷ đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2023, dịch vụ nông nghiệp 22,549 tỷ đồng, tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng diện tích gieo trồng đạt 4.878ha, đạt 101,6% kế hoạch giao; năng suất lúa bình quân đạt 68,62tạ/ha (tăng 0,01% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng diện tích trồng cây ăn quả đạt 956,4ha .
Chăn nuôi phát triển khá ổn định, không có dịch bệnh xảy ra, tại các trang trại và các cơ sở đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học đã tăng đàn, tái đàn trở lại. Đến nay, toàn huyện có trên 400 trang trại chăn nuôi có quy mô vừa và nhỏ, 1 trang trang trại chăn nuôi quy mô lớn và hơn 2 nghìn cơ sở chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong những tháng đầu năm đạt gần 10 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023. Bà Đoàn Thị Vân, người chăn nuôi tại xã Dị Chế cho biết: Nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, nhiều năm nay đàn vật nuôi của gia đình tôi không mắc dịch bệnh nguy hiểm, đầu năm 2024 tôi mở rộng thêm 1 dãy chuồng nuôi lợn thịt chất lượng cao với tổng đàn gần 100 con.
Nuôi trồng thủy sản được quan tâm, đã hướng dẫn các cơ sở tẩy dọn ao, hồ, xuống cá giống và các biện pháp phòng, trị bệnh nên đàn cá sinh trưởng phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra. Thực hiện Đề án phát triển nuôi thủy sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025, đến nay tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt trên 685,03ha, trong đó diện tích nuôi thâm canh thủy sản là 450ha.
Huyện tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao; tạo ra sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2021-2025”: Tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật 22 lớp với khoảng hơn 1.000 lượt người tham dự. Thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2023-2025, đến nay trên địa bàn huyện có 20 sản phẩm được tỉnh và huyện chứng nhận sản phẩm OCOP; năm 2024, huyện xây dựng kế hoạch chứng nhận mới từ 3-5 sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày càng phát triển và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành kinh tế của huyện. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt 2.387 tỷ đồng, tăng 9,22% so cùng kỳ năm 2023 (KH 8,5%). Trong đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 1.688,5 tỷ đồng, tăng 9,89% so với cùng kỳ năm 2023, ngành xây dựng đạt 698,5 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023; Hiện nay, toàn huyện có khoảng trên 2 nghìn cơ sở hoạt động ngành công nghiệp, duy trì việc làm cho khoảng 13,5 nghìn lao động.
Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề tại địa phương vẫn duy trì hoạt động góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân. Huyện có 3 làng nghề được tỉnh công nhận, các làng nghề duy trì hoạt động, tạo việc làm cho người dân trong thời gian nông nhàn. Một số xã đẩy mạnh hoạt động nghề trồng nấm, mộc nhĩ (tại xã Lệ Xá và Trung Dũng), góp phần thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp phát triển, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn.
Hiện nay, Cụm công nghiệp Ngô Quyền đã thu hồi được 27,87ha/29,06ha đất của 122/128 hộ dân, đạt 95,9% tổng diện tích giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh thuê đất lần 1 và xin gia hạn thời gian thực hiện dự án. Cụm công nghiệp Thiện Phiến và cụm công nghiệp Dị Chế đã được UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để có cơ sở thực hiện giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Hoạt động thương mại, dịch vụ từng bước phục hồi, phát triển, giá cả hàng hóa trên địa bàn huyện tương đối ổn định. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 2.692,8 tỷ đồng, tăng 11,57% so cùng kỳ năm 2023. Trên địa bàn huyện có gần 4,7 nghìn cơ sở hoạt động ngành thương mại, dịch vụ, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Định hướng của huyện trong thời gian tới là tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp - thủy sản theo hướng bền vững, chuyển dịch thương mại - dịch vụ theo hướng tích cực, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, tạo bước đột phá trong phát triển du lịch. Thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao; tạo ra sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2021-2025”. Tăng cường và đa dạng các hình thức quảng bá sản phẩm nông nghiệp của huyện. Phát triển kinh tế đa ngành, nghề gắn với mục tiêu chung xây dựng huyện Tiên Lữ phát triển toàn diện và bền vững.
Đoàn Xuân Định - Ban Tuyên giáo