(TG) - Cách đây tròn 60 năm, vào mùa Xuân Giáp Thìn năm 1964, Bác Hồ có nhiều hoạt động cách mạng mang ý nghĩa sâu sắc.
1964 là năm thứ tư của kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất. Ngày đầu năm 1/1, như lệ thường, Bác có Thư chúc mừng năm mới với “Mấy lời thân ái nôm na/ vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân”. Mấy lời “thân ái nôm na” của Người tỏ rõ tinh thần thi đua yêu nước, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thực hiện cuộc vận động đồng bào miền xuôi đi tham gia xây dựng miền núi, ủng hộ đồng bào miền Nam, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội làm cơ sở vững mạnh cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Lời Bác truyền cảm hứng, nhiệt huyết về niềm tin thống nhất đất nước. Người viết:
“Bắc Nam như cội với cành
Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng.
Rồi đây thống nhất thành công
Bắc Nam ta lại vui chung một nhà.
Mấy lời thân ái nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”(1).
Cùng ngày, Bác đi thăm tỉnh Thái Nguyên và Khu gang thép Thái Nguyên; thăm Nhà máy điện Cao Ngạn và Bảo tàng Việt Bắc (nay là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam); thăm cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 312. Ở tuổi 74, Người vẫn khỏe mạnh. Trong các buổi nói chuyện với đồng bào và chiến sĩ, cùng với những lời chúc mừng năm mới thân ái, khen ngợi thành tích các mặt, một điểm quan trọng, quý giá là Người nói tới việc lấy hiệu quả thực tế làm thước đo đánh giá chi bộ, như từ việc giết giặc lập công trong kháng chiến đến thành tích các hợp tác xã và các xí nghiệp trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đối với công nhân và cán bộ làm gang thép, Người nhấn mạnh một tư tưởng lớn có giá trị trường tồn: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang. Nhất là cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải làm như vậy”(2). 60 năm trôi qua, lời dạy của Bác vẫn luôn luôn là phương châm hành động, rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ công nhân Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên TISCO.
Đến thăm và chúc Tết Hội đồng Chính phủ họp phiên cuối năm, Bác nhắc phải làm tốt cuộc vận động “ba xây, ba chống”(3). Tại phiên họp, Bác phát biểu thẳng thắn chỉ ra thực tế tình hình - nói theo ngôn ngữ ngày nay - là dưới “nóng”, trên “lạnh”, tức là “anh chị em công nhân và nhân viên ở cơ sở thì rất hăng hái, nhưng từ cấp Giám đốc lên đến Bộ trưởng, Thứ trưởng thì còn rất nhiều người chưa chuyển, cho nên có chỗ cuộc vận động bị tắc lại. Bây giờ phải làm “ba xây, ba chống” cả hai chiều, từ dưới lên và từ trên xuống. Bản thân các đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng, các đồng chí lãnh đạo phải “ba xây, ba chống”. Hơn ai hết người lãnh đạo phải nhận rõ cuộc vận động “ba xây, ba chống” này rất quan trọng để làm cho tốt”(4). Bài học lớn, vô cùng quý báu từ lời dạy của Bác 60 năm trước soi sáng hiện nay khi chúng ta đang và tiếp tục triển khai tích cực, sâu rộng Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Một điều đặc biệt là trong những hội nghị của Bộ Chính trị đầu năm, kiểm điểm công tác năm cũ (1963) và bàn nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo năm mới (1964), Bác đánh giá ngắn gọn, cô đọng về ưu điểm nhưng lại đặc biệt nhấn mạnh về hạn chế, khuyết điểm. Ngày 17/1, trong Hội nghị Bộ Chính trị, sau khi chỉ rõ “nhiều vấn đề tồn tại cứ nói đi nói lại”, Người đặt thẳng vấn đề “Nguyên nhân từ đâu? Kế hoạch đặt không sát hay chỉ đạo thực hiện không tốt? Trong lúc đó báo chí cứ nêu là trên 100 xí nghiệp hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Như vậy là ta dối ta”(5). Đây là một bài học lớn, thấm thía, rất đáng để chúng ta suy ngẫm về phương diện tự phê bình và nói thật trong sinh hoạt chính trị, kiểm điểm, báo cáo công tác.
Bác Hồ trồng cây tại Ba Vì (Hà Tây) mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969. Ảnh: Tư liệu
Ngày 21/1, Bác dự Hội nghị Bộ Chính trị bàn phương hướng lãnh đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng năm 1964. Trước khi nghe Trưởng Ban Tuyên huấn Tố Hữu trình bày dự thảo báo cáo, Bác phát biểu: “Đã bắt bệnh, điều quan trọng là phải theo bệnh để cho thuốc cho đúng, cụ thể là nội dung đối với từng loại chi bộ phải khác, nông trường khác, xí nghiệp khác… Trong lúc này có nên kết hợp học tập và biện pháp tổ chức không? Kế hoạch, biện pháp học tập, liên hệ của từng loại chi bộ như thế nào cho thích hợp. Cuối cùng là phải có tổ chức kiểm tra như thế nào?”(6).
Trong đổi mới, nhất là những năm gần đây, chúng ta vẫn thường nói “bắt bệnh, bốc thuốc”, “đúng bệnh, đúng thuốc”, cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát nhưng kết quả vẫn còn rất khiêm tốn. Nhưng câu chuyện đó lại được Bác Hồ chỉ ra từ 60 năm trước, nếu ngược thời gian là 79 năm ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, 77 năm từ Sửa đổi lối làm việc năm 1947. Điều đó tỏ rõ Bác có một trí tuệ, tầm nhìn đặc biệt, “tiên tri, tiên lượng”, bắt đúng bệnh của cán bộ, đảng viên hôm nay từ hơn 60 - 70 năm trước.
Ngày 31/1, Bác dự Hội nghị Bộ Chính trị bàn về công tác lãnh đạo cuộc vận động “ba xây, ba chống”. Phát biểu tại Hội nghị, Người nhắc lại ý kiến cuộc họp lần trước, đặt vấn đề: “Tại sao dưới động, trên không động, nhỏ động, to không động”; về những việc đã làm được, chỉ nên nói là kết quả bước đầu, không nên nói đạt nhiều thắng lợi”(7). Bài phát biểu của Bác thể hiện rõ tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng, nói thật, thẳng thắn, nghiêm túc, khiêm tốn, có trách nhiệm cao vì lợi ích của Đảng, của cách mạng của một người trên cương vị đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Đảng khiến chúng ta phải tiếp tục suy nghĩ, nghiền ngẫm nghiêm túc để hiểu thấu và làm đúng trong thực tế hiện nay. Cần nói thêm rằng, trong các báo cáo, bài nói, bài viết, Người rất thận trọng trong dùng từ khi nói về thành tựu, thắng lợi, thành công, thể hiện sự khiêm tốn, không tự mãn, chủ quan. Chuyện kể rằng, có lần một nhà báo nước ngoài sang Việt Nam lấy tin để viết bài về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Khi được tiếp chuyện Bác Hồ, nhà báo nói sẽ viết “Việt Nam là tấm gương sáng cho thế giới noi theo”. Bác nói, đồng chí chỉ nên viết “Những bài học kinh nghiệm của Việt Nam”.
Một trong những dấu ấn đậm nét nhất trong những ngày Xuân về Tết đến năm Giáp Thìn 1964 đó là bài viết Mừng Đảng ta 34 tuổi của Bác, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 3598, ngày 3/2/1964. Bài báo mở đầu bằng câu thơ:
“Công đức Đảng ta như biển rộng núi cao,
Băm tư năm ấy biết bao nhiêu tình!”
Bài báo khẳng định “nhờ chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường và nhờ Đảng ta đoàn kết, đã lãnh đạo nhân dân ta vượt mọi gian khổ, khó khăn, tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà và góp phần vào cách mạng thế giới, Đảng ta đã đoàn kết phải càng thêm đoàn kết, đã mạnh mẽ phải càng mạnh mẽ thêm. Đảng mạnh là do mỗi chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do mỗi một đảng viên ra sức làm tròn nhiệm vụ ghi trong Điều lệ của Đảng. Bài báo tóm tắt 10 nhiệm vụ của đảng viên ghi trong Điều lệ của Đảng do Đại hội III định ra và yêu cầu mỗi chi bộ và từng đảng viên lấy đó mà giáo dục đảng viên, tự kiểm điểm để xứng đáng là một chi bộ tốt, một đảng viên tốt của Đảng ta - một Đảng cách mạng vĩ đại”(8).
Viết về Đảng vào mùa Xuân là một nét văn hóa Hồ Chí Minh. Đảng ta ra đời vào mùa Xuân, nên cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, bằng hình thức này hay hình thức thức khác, Bác thường viết, nói về Đảng ta vĩ đại, một Đảng mang nhựa sống của mùa Xuân tràn đầy nghị lực, sức sống và sự vươn lên. Nhớ lại hồi Đảng ta tròn 30 tuổi, Bác có Bài nói tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập và bài viết Ba mươi năm hoạt động của Đảng cho tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội. Trong bài nói, bài viết, nhiều lần Bác khẳng định Đảng ta vĩ đại thật, mà một trong những minh chứng cụ thể, hùng hồn là ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của Tổ quốc, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Người khẳng định: “Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao/Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình/Đảng ta là đạo đức, là văn minh/Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no/Công ơn Đảng thật là to/Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một kho lịch sử bằng vàng”.
Viết về Đảng, Bác không chỉ ca ngợi sự vĩ đại, đánh giá cao vai trò của Đảng mà Người còn nói tới sứ mệnh nặng nề nhưng vinh quang của Đảng đối với dân tộc và Tổ quốc, đó là làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành; nhắc nhở sự đoàn kết trong Đảng, xây dựng chi bộ vững mạnh và sự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên.
Như bao mùa Xuân ngày Tết, năm nào ngày cuối cùng của năm cũ và ngày đầu năm mới âm lịch, Bác cũng đi thăm chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, công nhân, nông dân, trí thức và nhiều tầng lớp nhân dân khác. Người cũng không quên làm công tác ngoại giao đầu năm mới theo phong tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ngày 30 Tết Giáp Thìn (ngày 12/2/1964), Bác tiếp đoàn đại biểu Thanh niên tự do Cộng hòa Dân chủ Đức sang thăm Việt Nam. Cùng ngày, Người thăm và chúc Tết cán bộ, công nhân tại khu tập thể các nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá, khu tập thể cán bộ miền Nam tập kết ở phố Phan Đình Phùng và một số gia đình ở Hà Nội. Tối cùng ngày, Bác thăm tòa soạn báo Tân Việt Hoa; thăm và chúc Tết các chuyên gia Trung Quốc.
Mùng 1 Tết Giáp Thìn (ngày 13/2/1964), Bác thăm và chúc Tết cơ quan Huyện ủy, Ủy ban hành chính huyện Đông Anh, Hà Nội; thăm và chúc Tết cán bộ, công nhân trạm biến thế điện và Hợp tác xã nông nghiệp Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, một hợp tác xã có nhiều thành tích trong phong trào sản xuất và tiết kiệm. Người khen câu khẩu hiệu bằng thơ kẻ trên đình làng:
“Đón Xuân mở hội làm giàu
Mừng Xuân cần kiệm, lúa màu tốt tươi”(9).
Người thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đại đội 130 thuộc Trung đoàn phòng không 260 bảo vệ Thủ đô; thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Sở Công an Hà Nội.
Trong suốt mùa Xuân Giáp Thìn 1964, Bác còn có nhiều hoạt động đối nội, đối ngoại rất có ý nghĩa, trong đó một sự kiện nổi bật là Người chủ trì Hội nghị chính trị đặc biệt họp tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-3/1964. Tính chất “đặc biệt” của Hội nghị thể hiện trước hết ở thành phần tham dự, bao gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hơn 300 đại biểu gồm những cán bộ lão thành, những nhà hoạt động chính trị, những người tiêu biểu cho các giới, các ngành, những anh hùng và chiến sĩ thi đua, những nhà trí thức tiến bộ, những nhân sĩ yêu nước, v.v.. Hội nghị là sự kiện lớn ghi dấu mốc 10 năm đấu tranh và xây dựng từ ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, xem lại những sự kiện đã qua và bàn bạc những vấn đề sắp tới. Bác nhấn mạnh: “Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới”(10).
Hội nghị diễn ra hai ngày có thảo luận với 40 cụ và đồng chí đã phát biểu ý kiến “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”(11) cũng là một điều đặc biệt. Nội dung báo cáo của Bác có thể tóm tắt trên mấy phương diện chủ yếu:
Thứ nhất, về thắng lợi và nguyên nhân. Báo cáo nêu lên những thành tích to lớn của nhân dân miền Bắc trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, của những người lao động làm chủ tập thể “ta vì mọi người, mọi người vì ta”. Điều đó tỏ rõ chế độ xã hội chủ nghĩa là rất tốt đẹp và đang cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân miền Nam. Chúng ta tự hào với miền Nam anh hùng của dân tộc ta, 10 năm đấu tranh oanh liệt, 10 năm thắng lợi vẻ vang. Tình hình miền Nam chứng tỏ một cách rõ rệt sự thất bại không thể tránh khỏi của đế quốc Mỹ trong cuộc “Chiến tranh đặc biệt”. Cuộc “Chiến tranh đặc biệt” mà Mỹ thí nghiệm ở miền Nam thất bại, thì cũng sẽ thất bại ở bất kỳ nơi nào khác. Đó là ý nghĩa quốc tế của cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam ta đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Có ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thắng lợi. Một là do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chính phủ; hai là do sức phấn đấu dũng cảm, tinh thần đoàn kết một lòng của đồng bào ta; ba là do sự giúp đỡ nhiệt tình của các nước anh em.
Thứ hai, khó khăn, khuyết điểm và những việc phải làm. Báo cáo chỉ rõ những khó khăn lớn trên bước đường phát triển của cách mạng và những khuyết điểm, nhược điểm cần phải khắc phục như trình độ quản lý kinh tế còn kém, tinh thần trách nhiệm chưa thật cao, chất lượng sản phẩm chưa thật tốt, tệ quan liêu, tham ô, lãng phí còn nhiều, v.v..
Toàn Đảng, toàn dân phải phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình mạnh mẽ, đồng tâm hiệp lực, hăng hái tiến lên, thì chúng ta nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn và nhất định sẽ giành được những thắng lợi to lớn hơn nữa. Mỗi người phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt.
Báo cáo chỉ ra trước mắt chúng ta có 5 việc phải làm. Một là, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết cần đoàn kết hơn nữa; Hai là, phải làm tốt cuộc vận động “Cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp”; cuộc vận động “ba xây, ba chống”; Ba là, phải tăng cường không ngừng chính quyền nhân dân; Bốn là, phải hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam; Năm là, phải nêu cao tinh thần quốc tế vô sản.
Cuối bản báo cáo, Bác nhấn mạnh cách mạng là một sự nghiệp lâu dài và gian khổ song nhất định thắng lợi. Muốn vậy, cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần phải xung phong gương mẫu trong sản xuất và công tác, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính. Cần phát huy truyền thống của dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, luôn luôn sẵn sàng hy sinh phấn đấu vì quyền lợi của Tổ quốc, của nhân dân và sự nghiệp cách mạng toàn thế giới.
Hội nghị chính trị đặc biệt Xuân Giáp Thìn 1964 là đại biểu cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân, cho thấy ý nghĩa một “Hội nghị Diên Hồng” trong thời đại Hồ Chí Minh, điểm hội tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
11 năm sau Báo cáo chính trị đặc biệt, chúng ta đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 60 năm trôi qua từ mùa Xuân Giáp Thìn năm 1964, với gần 40 năm đổi mới, đất nước đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Một “dáng đứng Việt Nam” hiên ngang mà lõi cốt là trí tuệ, bản lĩnh, phẩm giá Việt Nam được vẽ lên với một cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế hết sức to lớn trong bức tranh toàn cầu không mấy sáng. Đó chính là ý nghĩa quốc tế của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam, công cuộc đổi mới “Made in Việt Nam” đối với nhân loại tiến bộ trên thế giới đang đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác, tiến bộ và phát triển.
Hội nghị chính trị đặc biệt Xuân Giáp Thìn 1964 là đại biểu cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân, cho thấy ý nghĩa như một “Hội nghị Diên Hồng” trong thời đại Hồ Chí Minh, điểm hội tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
PGS. TS. Bùi Đình Phong