Theo Nghị quyết số 1248/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/12, tỉnh Hưng Yên giảm từ 161 xuống còn 139 ĐVHC cấp xã. Việc sắp xếp này đã được tính toán phù hợp với quy hoạch chung, các quy hoạch chuyên ngành, là cơ sở giúp các địa phương mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh có những bước đột phá trong thời gian tới và cùng với cả nước vươn mình trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Sẵn sàng để đơn vị hành chính mới hoạt động hiệu quả
Một ngày đầu tháng 11, chúng tôi về xã Nhuế Dương (Khoái Châu), dọc theo các con đường rộng thênh thang là những ngôi nhà khang trang, điểm sinh hoạt văn hóa - tập thể thao và nhiều công trình được gấp rút thi công. Nghe loa truyền thanh tuyên truyền nghị quyết về sắp xếp ĐVHC, ông Nguyễn Văn Hải, ở xã Nhuế Dương phấn khởi cho biết: Qua hệ thống thông tin đại chúng và các cuộc họp, tôi hiểu rõ và đồng thuận với chủ trương sáp nhập 2 xã Nhuế Dương và Thành Công để thành lập xã Nguyễn Huệ; 2 xã cũng đã thống nhất bố trí cán bộ, trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND và các lực lượng Công an, Quân sự xã bảo đảm hoạt động hành chính không bị gián đoạn. Mong muốn lớn nhất của tôi là bộ máy lãnh đạo xã mới phải là những người có năng lực, uy tín để làm tốt công tác xây dựng Đảng, chỉ đạo, điều hành kinh tế, đưa địa phương phát triển xứng tầm với tên gọi Nguyễn Huệ và tư duy, cách làm của người anh hùng áo vải trong lịch sử đầy tự hào của dân tộc.
Sắp xếp đơn vị hành chính tạo thêm động lực cho huyện Yên Mỹ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới
Ảnh: Một góc thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) hôm nay
Ngay sau khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành, các sở, ngành, địa phương liên quan đã bắt tay ngay vào chuẩn bị, sẵn sàng để các ĐVHC mới đi vào hoạt động đồng bộ, thông suốt. Đồng chí Vũ Văn Kiên, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Bên cạnh việc tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 1248/NQ-UBTVQH15, tại Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 11/11/2024, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương và tiến độ, thời gian thực hiện, trong đó tập trung các nhiệm vụ trọng tâm như: Thông tin - tuyên truyền; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; tổ chức kỳ họp HĐND-UBND, xây dựng phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ CB,CC ở ĐVHC mới; thu hồi con dấu cũ, phát con dấu mới; sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công... Hiện tại, Sở Nội vụ đang tích cực phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương gấp rút hoàn thành các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 1248/NQ-UBTVQH15 và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Sau khi tổ chức công bố Nghị quyết số 1248/NQ-UBTVQH15, thời điểm này, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền; bố trí, sắp xếp đội ngũ CB,CC,NHĐKCT…, các địa phương tập trung thống kê, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để bàn giao, tiếp nhận giữa ĐVHC cũ và ĐVHC mới, đặc biệt là những hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, các lĩnh vực quản lý nhà nước. Nhiệm vụ này phải được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Theo hướng dẫn của Công an tỉnh, cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội cũng đang chuẩn bị các điều kiện để hết giờ làm việc hành chính ngày 29/11/2024 sẽ bàn giao con dấu cũ và nhận con dấu mới kể từ ngày 1/12/2024 do thay đổi địa giới và tên gọi của ĐVHC cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp. Công an cấp xã ở những ĐVHC mới cũng chủ động chuẩn bị các điều kiện để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin liên quan đến địa chỉ, cư trú của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... Ngay sau khi ĐVHC mới đi vào hoạt động, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định phân loại ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp; lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và in ấn bản đồ hành chính mới.
Việc sáp nhập các ĐVHC có quy mô nhỏ thành một ĐVHC lớn sẽ tạo dư địa, không gian phát triển mới cho các địa phương, đồng thời nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của bộ máy hành chính cấp xã.
Tạo đà để hưng yên vươn mình trong kỷ nguyên mới
Với tinh thần không ngại đối diện khó khăn, thách thức, những năm qua, tỉnh và các địa phương không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và dần hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước. Giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh đạt 10,71%, cao gấp đôi tốc độ bình quân của cả nước (5,24%). Năm 2023 là năm thứ hai Hưng Yên nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu ngân sách cao nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất; xếp hạng quy mô kinh tế của tỉnh vươn lên vị trí thứ 16/63 tỉnh, thành phố; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 12/63. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông, hạ tầng công nghiệp, đô thị, nông thôn được đầu tư đồng bộ, trong đó có nhiều công trình, dự án mang tính động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như: Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án đường Tân Phúc - Võng Phan, các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp...
Trên đà phát triển đó, tỉnh Hưng Yên tiếp tục xây dựng Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10/6/2024. Quy hoạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thể hiện tư duy, tầm nhìn dài hạn, mục tiêu, khát vọng phát triển với đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Phấn đấu đến năm 2030, Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số. Mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 9,0%/năm; kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 12 - 13 tỉ USD vào năm 2030. Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là trung tâm kết nối giữa các địa phương trong vùng và cả nước.
Định hướng đúng, cách làm đúng đã và đang đưa tỉnh Hưng Yên trở thành "điểm đến" hấp dẫn các nhà đầu tư. Cùng với phát triển mạnh các khu, cụm công nghiệp, dự án dịch vụ mang tầm quốc tế, tỉnh Hưng Yên đang thực hiện nhiều dự án hạ tầng trọng điểm.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là sắp xếp ĐVHC theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành phải được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm. Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát, sắp xếp các thôn, tổ dân phố chưa bảo đảm tiêu chí; tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị, hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, năng động, sáng tạo, không ngại đối diện với khó khăn, thách thức; quyết tâm gỡ “nút thắt trên nóng, dưới lạnh”, xoá bỏ tình trạng né tránh, đùn đẩy trong thực hiện nhiệm vụ và giải quyết kiến nghị, đề xuất chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Quá trình xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 đến khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cho thấy “Ý Đảng hợp lòng dân”. Nhiệm vụ đặt ra lúc này là nhanh chóng đưa bộ máy các ĐVHC mới đi vào hoạt động ổn định, hiệu lực, hiệu quả. Từ đó củng cố thêm niềm tin, tạo khí thế mới, mở ra không gian và động lực phát triển mới trên nền tảng vững chắc đã được tạo lập trong thời gian qua, để tỉnh Hưng Yên cùng với cả nước vươn mình trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Nguồn: Lệ Thu- Báo Hưng Yên