CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÁC CẤP, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN TIÊN LỮ LẦN THỨ XXVII, NHIỆM KỲ 2025- 2030, TIẾN TỚI ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIV CỦA ĐẢNG
Kinh tế
Đăng ngày: 03/12/2024 - Lượt xem: 699
Bài Huyện Tiên Lữ đưa chuyển đổi số tiếp cận với người dân nhanh chóng - hiệu quả

Chuyển đổi số là một cụm từ được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Trong thời đại 4.0 không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống hàng ngày. Đó là một quá trình chuyển đổi các hoạt động truyền thống sang các quá trình dựa vào công nghệ số, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và cung cấp cho người dân nhiều tiện ích hơn. Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bứt phá, huyện Tiên Lữ đã và đang tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; khuyến khích người dân tham gia và được trải nghiệm những tiện ích thiết thực mà chuyển đổi số mang lại.

Để triển khai chuyển đổi số, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và Đề án xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số . Cùng với chính quyền số, nền kinh tế số của huyện cũng được hình thành, với hàng chục sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp thế mạnh địa phương được đưa lên sàn thương mại điện tử. Nông dân tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hàng trăm doanh nghiệp đã biết vận dụng công nghệ thông tin để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Người dân xã Thiện Phiến đưa công nghệ vào sản xuất

Với chiếc điện thoại thông minh trên tay, anh Đào Viết Duy, ở thôn Tân Khai, xã Thiện Phiến có thể làm mọi thứ để kiếm tiền, từ chuyện livestream bán hàng, đăng video clip... trên mạng xã hội, đặc biệt là Youtube. Anh Duy cho biết: Tôi thấy áp dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp vô cùng hữu ích, nó giúp người nông dân vừa sản xuất, vừa buôn bán , tiếp cận được nhiều khách hàng, bán hàng dễ và đơn giản hơn rất nhiều.

Tới thực hiện thủ tục hành chính tại xã Nhật Tân vào đầu tháng 12, chị Lê Thị Hoàn cho biết: Khi đến làm thủ tục giấy tờ được cán bộ xã hướng dẫn làm thủ tục qua ứng dụng trực tuyến tôi nghĩ là rất khó, phức tạp, nhưng chỉ sau vài phút thao tác đơn giản, tôi đã nhanh chóng hoàn thành việc nộp hồ sơ và lệ phí trực tuyến qua chiếc điện thoại thông minh mà không phải nộp hồ sơ giấy với nhiều bước kê khai như trước. Giờ tôi cảm thấy ứng dụng chuyển đổi số vào việc thực hiện các thủ tục này rất nhanh, gọn và tiết kiệm nhiều thời gian.

Đang lựa chọn đồ tại cửa hàng quần áo Táo Shop- phố Minh Khai, xã Dị Chế, chị Phương Thị Hằng, người dân xã Thủ Sỹ cho biết: Hiện nay, dù đi chợ, các cửa hàng đồ dùng, hoa quả… đều trang bị mã QR để phục vụ việc thanh toán không dùng tiện mặt nên mỗi lần mua sắm, tôi đều thực hiện thanh toán qua ứng dụng Internet Banking vừa thuận lợi, nhanh gọn mà không mất thời gian ra ngân hàng rút tiền. Đồng thời, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giảm thiểu rủi ro, hạn chế phát sinh vấn đề phiền phức như trả tiền thừa, thiếu, tiền giả cũng như phòng ngừa bị kẻ gian móc túi tại nơi đông người…

Tính đến nay, nhiều cơ sở khám, bệnh chữa bệnh trên địa bàn đều triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 100% trường học, từ cấp tiểu học đến THPT thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy học; khai thác, sử dụng các kho học liệu trực tuyến dùng chung trên các nền tảng số; sử dụng các nền tảng số để thông tin, liên lạc với phụ huynh về tình hình học tập của học sinh

         Trong thời gian tới, huyện nhà sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh chuyển đổi số các lĩnh vực mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội như: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải… Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện đối với các đơn vị được phân công phụ trách, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác này.

Mai Hương- TTVH và TT huyện

Tin liên quan