Ông Nguyễn Trần Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Yên Mỹ cho biết: Nghề làm giò, chả thôn Trai Trang phát triển từ những năm 60 của thế kỷ XX. Hiện nay, toàn thôn có khoảng 40 hộ làm nghề, dịp cuối năm, các cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn giò, chả các loại.
Để tăng năng suất và bảo đảm chất lượng, các hộ làm nghề tại thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) đầu tư máy luộc, hấp giò bằng điện
Chị Lưu Thị Huê, chủ cơ sở giò, chả Việt Huê, thôn Trai Trang cho biết: Từ đầu tháng 12 âm lịch, khách hàng đã liên hệ đặt đơn cho dịp Tết Nguyên đán. Từ ngày 22 đến 30 tháng Chạp, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất theo đặt hàng 5 – 7 tạ giò, chả các loại, chưa tính bán lẻ ngoài chợ.
Hiện nay, nhiều công đoạn sản xuất có máy móc hỗ trợ nên việc làm giò, chả của các hộ sản xuất thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để bảo đảm nguyên liệu đầu vào tươi ngon và sản phẩm làm ra kịp tới tay người tiêu dùng, một ngày làm việc của các hộ làm nghề ở Trai Trang thường bắt đầu từ 3 giờ sáng.
Theo chia sẻ của các hộ làm nghề, mỗi người có kinh nghiệm và công thức chế biến khác nhau nhưng muốn sản phẩm ngon, trước tiên nguyên liệu phải bảo đảm chất lượng. Thịt lợn, thịt bò phải tươi, sau đó đem đi xay và gói ngay mới giữ độ dẻo, thơm. Ngoài ra, máy móc, dụng cụ sản xuất luôn được rửa sạch sẽ, lau khô…
Từ năm 2022, “Giò chả Trai Trang” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, sản phẩm làm ra được nhiều người biết đến hơn, nhiều cơ sở mở rộng thị trường đến các tỉnh, thành phố trong cả nước, ký hợp đồng tiêu thụ cho bếp ăn tập thể của các công ty, trường học…
Ông Nguyễn Bá Thuỷ ở thôn Trai Trang cho biết: Để nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, cơ sở đầu tư các loại máy móc như: máy xay công suất lớn, máy thái thịt, nồi hấp… Ngày Tết, sản lượng tiêu thụ của gia đình ông đạt trung bình 5 tạ giò, chả/ngày. Ngoài bán lẻ cho khách hàng, tôi ký kết hợp đồng tiêu thụ với các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn huyện nên đầu ra ổn định.
Ông Nguyễn Bá Thuỷ, thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) chế biến sản phẩm phục vụ thị trường Tết
Một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người dân xã Thụy Lôi (Tiên Lữ) chính là món giò bì phố Xuôi. Với những bí quyết gia truyền, món giò bì nơi đây có hương vị đậm đà, hấp dẫn, khiến thực khách thưởng thức một lần thì nhớ mãi. Tiếng thơm bay xa, giò bì Phố Xuôi ngày càng được thực khách trong và ngoài tỉnh biết đến, vì thế vào thời điểm cuối năm, các cơ sở chế biến tại địa phương hoạt động hết công suất.
Những ngày này, tại cơ sở sản xuất giò Dương Lữ luôn tấp nập khách đến đặt mua hàng. Chị Nguyễn Thị Thanh Lữ, chủ cơ sở cho biết: Gia đình tôi làm nghề được hơn 30 năm. Trước kia sản phẩm chế biến chủ yếu là giò pha bì lợn, nay đa dạng hơn như giò lụa, giò pha tai lợn, mọc... Dịp Tết, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 5 tạ giò các loại và trên 2.500 chiếc giò loại nhỏ, gấp 4 - 5 lần ngày thường. Từ năm 2022, khi giò tai lợn và giò bì lợn của cơ sở được xếp hạng OCOP 3 sao, sản phẩm làm ra ngày càng được khách hàng biết đến. Nhiều người còn mua cho người thân mang đi nước ngoài.
Ông Phạm Tuấn Hải, Chủ tịch UBND xã Thụy Lôi cho biết: Toàn xã hiện có 5 hộ duy trì và phát triển nghề làm giò bì, tập trung ở khu vực phố Xuôi, thôn Thụy Lôi. Các hộ làm nghề tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm để làm ra sản phẩm an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Với nhiều năm kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Thoa ở thôn Thụy Lôi chia sẻ: Để làm ra được những chiếc giò bì đặc sản thơm ngon, nguyên liệu chế biến phải chọn lọc từ những con lợn khoẻ mạnh, trong quá trình chế biến không thêm phụ gia, chất cấm. Lá chuối gói giò phải tươi, loại bánh tẻ và to bản. Khi gói phải chia đều và gói chặt tay để chiếc giò có hình thức đẹp. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ trong ngày để bảo đảm chất lượng.
Giò, chả là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của người gia đình, tạo nên dư vị thơm ngon, hấp dẫn dịp Tết đến xuân về.
Nguồn: Báo Hưng Yên.