Những năm qua, các trường THPT huyện nhà luôn chú trọng ứng dụng chuyển đổi số nhằm đổi mới nội dung, hình thức giáo dục, nhất là trong công tác định hướng nghề nghiệp, khuyến khích các em đổi mới tư duy, tiếp cận những nghề nghiệp liên quan tới công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, mạnh dạn thử sức với các ý tưởng khởi nghiệp,… để tự tin, vững vàng bước vào cuộc sống tự lập sau khi ra trường.
Tư vấn hướng nghiệp tại trường THCS và THPT Hoàng Hoa Thám
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục góp phần nâng cao chất lượng dạy học, tạo thuận lợi hơn trong quản lý giáo dục. Nhờ đó, đa số học sinh THPT đã tự tin hơn, chủ động hơn trong lựa chọn nghề nghiệp tương lai phù hợp với sở thích, năng lực bản thân, mà vẫn đảm bảo mức thu nhập mong muốn; Nhiều em học sinh đã có định hướng nghề nghiệp rõ ràng ngay từ những năm lớp 10, lớp 11, nên việc học tập, phấn đấu có mục tiêu cụ thể, giúp các em đỡ hoang mang, lo lắng khi tốt nghiệp THPT.
Cùng với lồng ghép các nội dung tư vấn, hướng nghiệp vào các tiết học của một số môn văn hóa, trong các buổi sinh hoạt tập thể, sinh hoạt đoàn, sinh hoạt lớp, các hoạt động ngoại khóa;... Các trường THPT trong huyện cũng phối hợp với Đoàn thanh niên, các trường cao đẳng, đại học, doanh nghiệp,… tổ chức nhiều buổi giao lưu, hướng nghiệp; và đăng tải các thông tin tuyển sinh, du học, tư vấn, giới thiệu ngành nghề,… trên trang web, fanpage nhà trường, zalo các nhóm lớp để đông đảo học sinh, phụ huynh dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu.
Các cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật, sáng tạo khoa học công nghệ, tin học trẻ không chuyên,… dành cho lứa tuổi học sinh trung học, của ngành giáo dục các cấp tổ chức hàng năm; luôn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các em học sinh huyện nhà với hàng chục đề tài, dự án tham gia; hướng tới mục tiêu ứng dụng những kiến thức các em đã được học trong nhà trường để đáp ứng nhu cầu xã hội và các vấn đề cuộc sống đặt ra. Trong đó nhiều đề tài, dự án đạt được giải cao, chủ yếu thuộc các lĩnh vực điện tử - tự động, ứng dụng sản xuất, sản phẩm nông nghiệp, công nghệ sinh – hóa học, chăm sóc sức khỏe cộng đồng,… không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu trên giấy tờ, lý thuyết,… mà được đánh giá cao về các luận cứ khoa học chặt chẽ, logic; có tính ứng dụng thiết thực trong thực tế. Đáng chú ý, một số tác giả trẻ còn hiện thực hóa đề tài nghiên cứu khoa học của mình thành những cơ hội kinh doanh, ý tưởng khởi nghiệp khả thi. Tiêu biểu năm học 2023-2024, tại trường THCS và THPT Hoàng Hoa Thám với sự nỗ lực, cố gắng của 2 nhóm nghiên cứu và sự tận tình, tận tâm của cô giáo Vũ Thị Thiết và cô giáo Phùng Thị Tuyên hướng dẫn, cả 2 dự án tham gia đều đạt giải. Trong đó, dự án thuộc lĩnh vực Khoa học và hành vi của nhóm nghiên cứu Nguyễn Hương Giang và Đoàn Tuấn Anh lớp 11A3 đạt giải Nhì, dự án thuộc lĩnh vực Kĩ thuật môi trường của nhóm nghiên cứu Vũ Bảo Khánh và Nguyễn Hưng Thái lớp 11A3 đạt giải Tư.
Công tác hướng nghiệp được đánh giá là “chìa khóa” giúp học sinh THPT mở ra nhiều cánh cửa sau tốt nghiệp; giúp học sinh tự nhận thức, đánh giá đúng năng lực của bản thân phù hợp với ngành nghề nào, từ đó xác định rõ ràng, chính xác mục tiêu nghề nghiệp sau khi ra trường; giảm áp lực thi cử. Tư duy, định hướng nghề nghiệp của Học sinh THPT và phụ huynh cũng đã có sự thay đổi đáng kể so với trước đây; theo hướng: học cao đẳng, đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công; các bạn trẻ hiện nay có rất nhiều lựa chọn khác như học nghề, đi du học, xuất khẩu lao động, khởi nghiệp kinh doanh…
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác hướng nghiệp của các nhà trường giúp các em tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng phù hợp, bắt kịp với xu thế của thời đại 4.0 hiện nay.
Mai Hương- TTVH và TT huyện