Ngày 16/2, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TU, ngày 30/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện chủ trương Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn không là người địa phương giai đoạn 2023 – 2025 và 2025 – 2030 (Nghị quyết số 39).
Các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; Bí thư các huyện ủy, thị ủy, thành ủy…
Các đại biểu dự hội nghị
Thời gian qua, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy đã quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 39. Từ thực tiễn của đội ngũ cán bộ đã chủ động lựa chọn, luân chuyển, điều động, giới thiệu cán bộ ứng cử; phân công trách nhiệm thực hiện đối với tập thể, cá nhân, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai theo quy định.
So với mục tiêu Nghị quyết số 39 đề ra trong giai đoạn 2023 – 2025, đến ngày 15/2/2024, toàn tỉnh có 53 đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn không là người địa phương, đạt 106%; 26 đồng chí Chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương, đạt 137%.
Qua đánh giá bước đầu, việc thực hiện chủ trương Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương đã tạo ra sự đổi mới mang tính đột phá trong công tác cán bộ. Tại các địa phương đã thực hiện việc luân chuyển cán bộ, lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp tồn tại được xử lý, giải quyết hiệu quả, góp phần hạn chế hiện tượng bè phái, cục bộ…
Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Một số cấp ủy cấp huyện chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 39; một số khó khăn của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã khi tiếp cận địa bàn, giải quyết một số vụ, việc trong thời gian đầu; chế độ phụ cấp…
Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện chủ trương Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất các giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 như: Cần có cơ chế, chế độ hỗ trợ đối với cán bộ được luân chuyển, điều động trong thực hiện chủ trương Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương; căn cứ tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn, luân chuyển, điều động đồng chí có trình độ, năng lực phù hợp; lựa chọn điều động, luân chuyển cán bộ trẻ, còn thời gian công tác dài về các địa phương…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Chủ trương Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn nhằm sử dụng, phát huy hiệu quả đội ngũ cán bộ các cấp, khắc phục những hạn chế, bất cập, khép kín trong công tác cán bộ; tạo điều kiện đào tạo, rèn luyện, thử thách đội ngũ cán bộ… Ban Thường vụ cấp ủy, người đứng đầu chính quyền cấp huyện phải làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, sử dụng và xây dựng kế hoạch tổng thể với lộ trình và bước đi cụ thể về bố trí cán bộ không là người địa phương làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã. Các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã khi về địa phương phải xây dựng được sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ…
Tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Việc đánh giá sâu sát tình hình triển khai, kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết số 39 sẽ giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra các giải pháp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện bảo đảm các mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2025 – 2030 của Nghị quyết số 39. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện phụ trách xã, phường, thị trấn phải phát huy tinh thần trách nhiệm, hỗ trợ các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương nhanh chóng tiếp cận địa bàn để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Các đồng chí được luân chuyển, điều động cần quyết tâm cao hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ khi về địa phương mới... Đối với các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, tỉnh sẽ xem xét, tiếp tục hướng dẫn triển khai thực hiện; đồng thời, tổng hợp những kiến nghị về cơ chế chính sách vượt thẩm quyền trình Trung ương xem xét… Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, các ngành, địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ phải làm và cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện…
Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa đánh giá: Việc thực hiện Nghị quyết số 39 đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để bảo đảm đây là những kết quả vững chắc và Nghị quyết số 39 đi vào cuộc sống, thời gian tới, từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cấp ủy, chính quyền các cấp cần thống nhất trong nhận thức; tiếp tục đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng để tạo sự thống nhất cao đối với việc thực hiện chủ trương Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong tình hình mới, tạo được sự thống nhất và đồng thuận về nhận thức; cấp ủy và người đứng đầu phải đề ra biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm thực hiện. Việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 phải bảo đảm các yêu cầu, nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ; cần quan tâm về thời điểm và đối tượng thực hiện chủ trương, trong đó chú trọng điều động, luân chuyển cán bộ trẻ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp xã, quy hoạch chức danh trưởng phòng ở cấp huyện… Cấp ủy, chính quyền các cấp phải có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ đối với cán bộ được điều động, luân chuyển đến, tạo điều kiện để cán bộ phát huy khả năng, dám nghĩ, dám làm…
Nguồn: https://baohungyen.vn