MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI- MỪNG ĐẢNG QUANG VINH- MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024
Kinh tế
Đăng ngày: 29/01/2024 - Lượt xem: 392
Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, công nhận đô thị phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính

Những năm qua, tỉnh Hưng Yên có tốc độ phát triển công nghiệp - dịch vụ và đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, các khu vực đạt tiêu chuẩn đô thị nhưng chưa được thành lập đơn vị hành chính (ĐVHC) đô thị; quy mô đô thị nhỏ; tiến độ lập quy hoạch, lập và thực hiện chương trình phát triển đô thị cho từng đô thị, khu vực phát triển đô thị chậm. Điều này ảnh hưởng đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và khó khăn cho việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Diện mạo mới của đô thị Hưng Yên
Trong ảnh: Một góc phố của thành phố Hưng Yên

Hiện trạng đô thị của tỉnh gồm 1 đô thị loại III (thành phố Hưng Yên), 1 đô thị loại IV (thị xã Mỹ Hào); 1 khu vực đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV; 7 đô thị loại V và 13 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Diện tích tự nhiên của 2 đô thị lớn là thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào đều chưa đạt 50% theo quy định. Trong đó, thành phố Hưng Yên có diện tích 73,86km2, trong khi tiêu chuẩn quy định đối với thành phố là 150km2; thị xã Mỹ Hào hiện có diện tích tự nhiên 79,83km2, trong khi quy định tiêu chuẩn của một thị xã là 200km2. Nhiều xã, phường, thị trấn hiện tại chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về diện tích, điển hình như thị trấn Vương (Tiên Lữ) chỉ có hơn 2,4km2, đạt tỉ lệ 17,33% so với quy định; xã Nhân La (Kim Động) có diện tích hơn 3,1km2, đạt tỉ lệ 14,89% so với quy định; xã Việt Cường (Yên Mỹ) có diện tích hơn 2,6km2, đạt tỉ lệ 12,48% so với quy định...

Để đồng thời thực hiện 2 mục tiêu chiến lược xây dựng tỉnh Hưng Yên đến năm 2030 cơ bản đạt tiêu chuẩn đô thị loại I, được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2037 và sắp xếp ĐVHC bảo đảm ổn định số lượng 10 ĐVHC cấp huyện, 139 ĐVHC cấp xã, tỉnh đã xác định phân kỳ thực hiện với 3 giai đoạn. Giai đoạn I, đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương, có 5 thành phố (Hưng Yên, Mỹ Hào, Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ); 2 thị xã (Kim Động, Khoái Châu); 3 huyện (Tiên Lữ, Phù Cừ, Ân Thi). Quy hoạch xây dựng vùng lõi, không gian đô thị xanh của tỉnh tại các ĐVHC: Thành phố Hưng Yên, các huyện Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang theo tuyến đường kết nối di sản văn hóa, du lịch dọc sông Hồng và gắn với triển khai thực hiện Dự án xây dựng, phục dựng Phố Hiến cổ. Giai đoạn II, đến năm 2037, tỉnh Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (đô thị loại I) có 3 quận (quận Phố Hiến, trên cơ sở phát triển và đổi tên thành phố Hưng Yên hiện nay; quận Mỹ Hào, trên cơ sở phát triển và đổi tên thị xã Mỹ Hào hiện nay; quận Văn Giang trên cơ sở phát triển huyện Văn Giang hiện nay; 4 thành phố, trên cơ sở quy hoạch và phát triển đô thị tại 4 huyện: Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu, Kim Động; 3 thị xã, trên cơ sở quy hoạch phát triển đô thị tại 3 huyện: Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ. Giai đoạn III, đến năm 2050, thành phố Hưng Yên trực thuộc Trung ương có 8 quận, gồm: Phố Hiến, Văn Giang, Mỹ Hào, Văn Lâm, Yên Mỹ, Kim Động, Khoái Châu, Ân Thi và 2 thị xã Tiên Lữ, Phù Cừ.


Xã Thọ Vinh (Kim Động) được quy hoạch trở thành đô thị loại V

Mục tiêu trước mắt đến năm 2025 phải công nhận khu vực của 3 huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu đạt tiêu chí đô thị loại IV; Khu vực 2 xã Thọ Vinh, Phú Thịnh (Kim Động) đạt tiêu chí đô thị loại V. Tuy nhiên, đến nay các khu vực này mới có quy hoạch chung thị trấn huyện lỵ và quy hoạch xây dựng vùng huyện, chưa có quy hoạch chung đô thị.

Sau khi tiếp nhận ý kiến góp ý của các bộ, ngành trung ương và kết luận của đồng chí Nguyễn Lê Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp của Ban chỉ đạo sắp xếp ĐVHC trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2025 vào giữa tháng 1 vừa qua, ngày 16/1, Sở Nội vụ đã có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị: UBND cấp huyện có ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 khẩn trương gửi báo cáo giải trình, cũng như căn cứ, hồ sơ liên quan theo các công văn của UBND tỉnh và Sở Nội vụ. Riêng đối với các ĐVHC cấp xã có tiêu chí đặc thù là quy hoạch đô thị nếu giữ nguyên đề xuất không sáp nhập, chậm nhất trước ngày 30/4/2024 phải có đầy đủ căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch, báo cáo UBND tỉnh để trình cấp có thẩm quyền. Trường hợp không đáp ứng được điều kiện chứng minh yếu tố đặc thù này, UBND cấp huyện có phương án, báo cáo UBND tỉnh và chịu trách nhiệm theo quy định. Đối với ĐVHC cấp xã trong phương án nhập vào thị trấn, UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm về tiêu chí đô thị sau khi sáp nhập, bảo đảm hoàn thành phân loại đô thị và quy hoạch đô thị theo quy định, báo cáo cụ thể trong Đề án sắp xếp ĐVHC trên địa bàn huyện, thực hiện các bước theo quy trình và gửi Sở Nội vụ thẩm định trước ngày 30/5/2024, trình HĐND tỉnh theo quy định.

Nhiệm vụ trước mắt, các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, chú trọng quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, khu chức năng; rà soát, lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xây dựng bảo đảm các tiêu chí theo chương trình phát triển đô thị của tỉnh; thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo quần thể di tích lịch sử và kiến trúc khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến; tập trung, ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu nhằm đạt đủ tiêu chuẩn công nhận các đô thị từ nay đến năm 2025 và các năm tiếp theo bảo đảm theo lộ trình phát triển đô thị của tỉnh đã được xác định tại Kế hoạch số 194-KH/TU ngày 24/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Nguồn: baohungyen.doc

Tin liên quan