Với người dân xứ Nhãn, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, bên cạnh bánh chưng, trên mâm cỗ không thể thiếu món bánh tẻ (hay còn gọi là bánh răng bừa), đặc sản dân dã được làm từ những nguyên liệu như: Gạo tẻ, thịt lợn, mộc nhĩ, hành khô...
Người dân xã Phụng Công (Văn Giang) gói bánh tẻ phục vụ khách hàng dịp Tết Nguyên đán
Xã Phụng Công (Văn Giang) không chỉ nổi tiếng với những vườn hoa khoe sắc, ngát hương mà còn được biết đến với nghề làm bánh tẻ truyền thống. Gần đến ngày Tết Nguyên đán, các hộ làm nghề ở đây lại tất bật ngày đêm sản xuất bánh để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Người dân Phụng Công cho biết, bánh tẻ được làm từ những nguyên liệu đơn giản như: Gạo tẻ, thịt lợn, mộc nhĩ, hành khô, lá dong. Công thức làm bánh thoạt nghe có vẻ đơn giản, nhưng để cho “ra đời” những chiếc bánh thơm ngon nức tiếng, quả thực không dễ. Đầu tiên, người dân chọn loại gạo tẻ dẻo, thơm, ngâm trong nước lạnh khoảng 1 giờ rồi đem xay với nước vôi trong. Tiếp đến là ráo bột, khâu quan trọng nhất trong làm bánh tẻ, bởi nó đòi hỏi người làm phải biết pha lượng nước và bột vừa phải. Sau khi pha nước xong bắc lên bếp để lửa nhỏ và người làm phải luôn tay khuấy đều để bột không bị vón cục, đến khi bột đủ độ dẻo, không bị khô quá hay quá nhão. Lá gói bánh là lá dong trồng ở vùng đất bãi phù sa xã Đông Kết (Khoái Châu), mềm, dai. Nhân bánh gồm có thịt lợn thái nhỏ trộn với hành khô, mộc nhĩ và nêm các gia vị như hạt tiêu, muối, mì chính vừa phải, sau đó đem xào chín cho nhân đậm đà, thơm ngon.
Gói bánh cũng là khâu quan trọng, đòi hỏi phải khéo tay, bột phết đều, gọn trong lòng lá, nhân đặt chính giữa. Bánh gói xong giống hệt cái răng bừa, ở giữa phình ra, hai đầu nhỏ lại. Luộc bánh phải bằng nước sôi, nếu luộc bằng nước lạnh, bột tan, bánh sẽ bị nhão. Sau khoảng 15 - 20 phút, khi mùi thơm của lá dong hòa cùng bột gạo và nhân bánh tỏa ra ngào ngạt là bánh đã chín. Bánh chín có màu trong pha chút xanh của lá dong, bóng đẹp, vị giòn, dai ngon, nhân dậy mùi thơm. Khi thưởng thức, người ăn cảm nhận được sự giản dị, mộc mạc, dư vị đậm đà, khó quên mang hồn cốt của ẩm thực làng quê Việt. Ngày nay, bánh tẻ Phụng Công đã trở thành món truyền thống không thể thiếu trong các mâm cỗ, ngày Tết và những bữa ăn quan trọng của các gia đình nơi đây. Đây còn là thức quà quê theo chân những người con quê hương và du khách thập phương có mặt ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Ngày cuối tháng Chạp, thăm cơ sở sản xuất bánh tẻ Tuấn Linh ở thôn Đại, xã Phụng Công, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc hăng say của người lao động. Từ những bàn tay khéo léo, nhanh nhẹn của người làm bánh cho ra những chiếc bánh mang hình dáng chiếc răng bừa trông thật hấp dẫn. Bà Trần Thị Linh, chủ cơ sở cho biết: Bánh tẻ hiện nay không chỉ là món ăn trong các tiệc cưới hỏi, hội nghị mà còn là món ăn trong bữa cơm của nhiều gia đình. Ngày thường gia đình tôi làm 500 - 700 chiếc/ngày. Từ ngày 25 đến 30 tháng Chạp, cơ sở vào vụ cao điểm sản xuất phục vụ Tết, mỗi ngày cung cấp 3.000 – 4.000 chiếc bánh ra thị trường, giá bán từ 3.500 - 5.000 đồng/chiếc. Để bảo đảm đủ số lượng bánh giao cho khách trong thời gian sớm, không làm ảnh hưởng đến chất lượng bánh, gia đình tôi thuê thêm 5 - 7 thợ gói bánh. Tháng 9/2023, UBND huyện Văn Giang chứng nhận OCOP 3 sao cho sản phẩm Bánh tẻ của gia đình tôi, giúp sản phẩm được quảng bá rộng rãi và được khách hàng tin tưởng, ưa chuộng hơn.
Hiện nay, xã Phụng Công có hơn 30 hộ sản xuất, kinh doanh bánh tẻ. Sản phẩm được sản xuất quanh năm, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng triệu chiếc bánh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Các hộ làm nghề đều đầu tư máy móc hỗ trợ ở khâu xay gạo, thái thịt, ráo bột để nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm, giảm bớt công lao động, hạ giá thành sản phẩm. Hiện nay, để duy trì, phát triển nghề truyền thống một cách bền vững, cùng với việc bảo đảm chất lượng bánh, chính quyền và người dân địa phương quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm bánh tẻ Phụng Công.
Không chỉ xã Phụng Công, bánh tẻ cũng là món ăn đặc sản của người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Vào những dịp lễ Tết, hầu như gia đình nào ở xã Thuần Hưng (Khoái Châu) cũng làm bánh tẻ để cúng tổ tiên và cho con cháu xa gần thưởng thức. Những ngày giáp Tết, nhiều người dân trong xã lại rộn ràng chuẩn bị nguyên liệu, xay bột, rửa lá dong để làm bánh tẻ. Bà Phạm Thị Liên ở thôn 4 cho biết: Đã thành thông lệ, Tết năm nào tôi cũng tự tay chọn nguyên liệu rồi đi xay bột, ráo bột… làm bánh tẻ để cả nhà ăn và đi biếu. Trên mâm cỗ ngày Tết cổ truyền hay những ngày lễ trong năm, tuy có rất nhiều thức ăn ngon nhưng luôn có thêm đĩa bánh tẻ bốc khói nghi ngút, thơm nức, hấp dẫn. Món bánh dân dã, mộc mạc được mọi người ưa thích trong dịp Tết bởi bánh ăn dai, giòn, thơm, có màu xanh của lá dong, béo mà không ngấy...
Bánh tẻ, thứ bánh giản dị mang hương vị của trời - đất, của tình người, quà quê của người nông dân xứ Nhãn “một nắng hai sương”. Từ bao đời nay, người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn giữ phong tục dùng món bánh tẻ dành tặng, biếu người thân, người xa xứ, như lời nhắn nhủ luôn nhớ về cội nguồn, nhớ về hương vị truyền thống của quê hương…
Nguồn: https://baohungyen.vn