Dịp Tết, người dân tại nhiều vùng quê trong tỉnh vẫn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống ăn đụng lợn ngày Tết
Nhiều năm nay, anh Đỗ Văn Thắng ở thôn Ninh Tập, xã Đại Tập (Khoái Châu) thường ăn đụng lợn cùng người thân trong gia đình. Từ đầu tháng Chạp, anh nhận “trọng trách” tìm mua một con lợn có trọng lượng khoảng 1 tạ ở trong thôn về nuôi. Vào ngày cuối tuần gần Tết nhất, những người thân cùng đụng lợn tập trung tại nhà anh để mổ lợn. Anh Thắng cho biết: Ngày Tết cổ truyền mà thiếu con lợn đụng coi như kém vui. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình tôi quây quần, gặp mặt, nấu nướng, ăn bữa cơm tất niên ấm cúng sau một năm bận rộn.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Quang Hưng (Phù Cừ) năm nay nuôi được đàn lợn hơn chục con xuất chuồng vào dịp cuối năm. Thay vì bán hết cho thương lái, ông để lại một con lợn “còi” rồi rủ hàng xóm thân thiết cùng ăn đụng. Theo ông, con lợn này chậm lớn, nuôi nửa năm mà chỉ được hơn 60kg. Dù nhỏ nhưng thịt rất chắc và thơm. “Từ nhiều năm nay, gia đình tôi thường rủ anh em hoặc xóm giềng cùng mổ ăn chung một con lợn vào dịp Tết. Gia đình tôi chủ động ngày mổ lợn để làm giò xào, gói bánh chưng và để lấy nguyên liệu làm mâm cơm tất niên cúng tổ tiên”, ông Dũng cho biết thêm.
Tục đụng lợn ăn Tết cổ truyền có từ xa xưa, trải qua thời gian, đến nay vẫn được duy trì, vừa thể hiện nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng vừa là nét văn hóa ẩm thực truyền thống độc đáo của dân tộc. Ngày ăn đụng lợn là ngày gia đình sum tụ, là dịp hàng xóm, láng giềng gặp mặt, trò chuyện sau một năm tất bật, từ đó tình cảm anh em, làng xóm thêm gắn kết.
Ăn đụng lợn diễn ra quanh năm nhưng sôi động nhất vào dịp Tết Nguyên đán và là một trong những việc được các hộ dân quan tâm đầu tiên từ trước Tết hằng tháng. Con lợn đụng thường là con cái, được các gia đình tuyển chọn kỹ lưỡng, hội tụ các ưu điểm như: mông nở, chân thon, thưa lông, mỏng da... Nhiều gia đình cầu kỳ, cẩn thận chọn mua lợn giống về tự nuôi trước đó một thời gian, cho ăn bằng rau, cám gạo, cám ngô… để thịt sạch và thơm ngon hơn. Tuỳ vào trọng lượng của con lợn, kinh tế của các hộ mà mỗi người có thể đụng 1/2 con hay 1/4 con hay ít hơn.
Mổ lợn thường nhộn nhịp từ 23 tháng Chạp đến 30 Tết. Từ trước ngày diễn ra đụng lợn, các thành viên trong gia đình, bà con hàng xóm láng giềng đã họp bàn, phân công nhiệm vụ cho từng người. Ai nấy đều phấn khởi mời anh em họ hàng, con cháu trong gia đình về sum họp, rồi cùng nhau gói bánh chưng, làm mâm cơm tất niên thắp hương gia tiên. Ngày đụng lợn, từ sáng sớm, những người tham gia ăn đụng đã tập trung đông đủ tại một gia đình. Phụ nữ được giao chuẩn bị các phần việc bếp núc, nhặt rau thơm... Đàn ông khỏe tay trói lợn, làm thịt… Không khí vô cùng rộn ràng, tấp nập. Người lớn luôn chân luôn tay, chuyện trò rôm rả, kể cho nhau nghe Tết này mua sắm những gì, gói bao nhiêu chiếc bánh chưng, các con đi làm xa bao giờ về quê ăn Tết. Đám trẻ con phấn khích hò reo chạy nhảy xung quanh sân, háo hức... Con lợn được xẻ thịt và chia đều thành các phần, riêng nội tạng thường được chế biến tại chỗ để mọi người quây quần cùng nhau thưởng thức.
Anh Nguyễn Phúc Hưng quê ở xã Đức Thắng (Tiên Lữ) chia sẻ: Tôi lên Hà Nội lập nghiệp nhiều năm nhưng Tết năm nào cũng về quê đúng vào ngày gia đình ăn đụng lợn. Đó không chỉ là truyền thống của gia đình tôi muốn giữ gìn, qua đó mong muốn các con cảm nhận được nét đẹp Tết cổ truyền của quê hương.
Dịp Tết, dịch vụ mổ lợn và xay giò thuê cũng trở nên sôi động. Anh Nguyễn Văn Hiếu, ở thôn Lương Trụ, xã Đức Thắng (Tiên Lữ) cho biết: Dịp cuối năm, hai vợ chồng tôi làm việc từ sáng sớm đến tối muộn. Khách thuê đông nhất vào các ngày 27 - 30 Tết. Tiền công trung bình 200.000 – 300.000 đồng/con, chưa tính công làm giò. Do việc nhiều nên tôi chỉ nhận làm cho những người đặt lịch trước.
Ngoài những ý nghĩa về mặt chuẩn bị thức ăn cho ngày Tết, đụng lợn là giải pháp mua thực phẩm an toàn với giá rẻ của người dân, khiến không khí chuẩn bị Tết trở nên vui và ý nghĩa hơn. Trong làn mưa xuân lất phất bay, cùng với sắc đào rực rỡ, những cây quất, cây bưởi trĩu quả vàng ruộm, tục đụng lợn góp phần mang đến sự rộn ràng với hy vọng một năm mới tươi vui, đầm ấm và thắm tình đoàn kết.
Nguồn Báo Hưng Yên.