MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI- MỪNG ĐẢNG QUANG VINH- MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 06/02/2024 - Lượt xem: 139
GÌN GIỮ NÉT ĐẸP DU XUÂN Ở VĂN MIẾU

Mỗi dịp Xuân về, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học (VHKH) Văn Miếu – Quốc Tử Giám lại tổ chức nhiều sự kiện mang đậm dấu ấn của ngày Tết xưa, tôn vinh truyền thống hiếu học.


Từ ngày 3/2 đến 19/2, tại khu vực Hồ Văn (Văn Miếu – Quốc Tử Giám), Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Hội chữ Xuân.
Năm nay, Hội chữ Xuân có sự tham gia của 40 ông đồ. Điểm nhấn của Hội chữ Xuân bên cạnh việc cho chữ và xin chữ còn tái hiện không gian trưng bày “Con đường chữ” với 9 hàng cột đôi như là biểu tượng cho Con đường học vấn với trụ cột là những hiền tài của đất nước. Chữ viết trên 18 trụ cột đó đều là các nội dung kinh điển của khoa cử ngày xưa mà sĩ tử phải dùi mài mong có ngày ứng thí. Hai mặt hướng ra hai bên là nội dung các câu đối được treo tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám từ hàng trăm năm nay, khuyến khích học tập giúp nước giúp đời. 18 cột với 9 đôi trụ biểu tượng như 18 con rồng bay lên trên cao, nơi có trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng, đua sắc đua tài với ẩn ý từ 100 chiếc đèn lồng đang tỏa sáng.
Ngoài ra, dịp này Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức nhiều hoạt động văn hóa mang tính truyền thống để phục vụ khách du Xuân như: Tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống; giới thiệu làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống Hà Nội cùng chương trình nghệ thuật biểu diễn ca trù, quan họ, hát chèo, hát xẩm, chầu, múa rối nước, múa lân sư rồng…
Theo Giám đốc Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, việc bố trí không gian Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 ở khu vực Hồ Văn thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là sự mới mẻ so với những năm trước, giúp lan tỏa mạnh mẽ hơn giá trị văn hóa tới đông đảo người dân và du khách. Ông Kiêu cũng cho biết, trong Hội chữ Xuân Giáp Thìn có hoạt động đặc biệt là triển lãm thư pháp với chủ đề “Hiếu học”, trưng bày 50 tác phẩm thư pháp tại khu vực sân trước và 50 tác phẩm vòng quanh Hồ Văn. Nội dung các tác phẩm thể hiện tinh thần và truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Các tác giả đã khai thác những đoạn trích trên văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hay những câu ca dao, câu thơ, câu đối… Triển lãm có sử dụng ánh sáng kết hợp chữ để tạo không gian sắp đặt nghệ thuật thị giác hấp dẫn người xem.
Khơi nguồn đạo học
Bên cạnh những giá trị đặc biệt của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, điểm đến văn hóa này ngày càng có nhiều cách tiếp cận công chúng. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, đây là năm thứ 10 Văn Miếu - Quốc Tử Giám có mô hình hoạt động sáng tạo để tạo sân chơi bổ ích cho những người yêu văn hóa, có khát vọng cống hiến cho văn hóa, đặc biệt là sân chơi cho các tầng lớp nhân dân, các bạn trẻ Thủ đô và du khách quốc tế đến du Xuân, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Đến đây, người dân hoàn toàn yên tâm với các tác phẩm thư pháp, thư họa viết đúng, viết đẹp để truyền tải thông điệp, ước mong, tình cảm của người dân trong năm mới. Đây là việc làm ý nghĩa mà Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã triển khai trong nhiều năm qua.
Bên cạnh Hội chữ Xuân, năm nay tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn tổ chức trưng bày với chủ đề “Khơi nguồn đạo học” tại Hậu đường nhà Thái học. Trưng bày diễn ra từ ngày 5/2, sử dụng hơn 300 tài liệu hiện vật, chia 4 phần nội dung chính được giới thiệu theo dòng lịch sử để tái hiện lại cuộc đời và những đóng góp của vua Lý Thánh Tông, vua Lý Nhân Tông, vua Lê Thánh Tông, thầy giáo Chu Văn An và những người có tầm ảnh hưởng như Nguyên phi Ỷ Lan, danh nhân khoa bảng Lê Văn Thịnh, Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh...
Trưng bày cũng kết nối nội dung với trưng bày “Quốc Tử Giám-Trường Quốc học đầu tiên” thành một chỉnh thể, giúp công chúng hiểu rõ hơn về lịch sử ra đời, phát triển của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bên cạnh đó, thông qua các tài liệu, hiện vật liên quan đến các danh nhân, trưng bày sẽ tái hiện thành một không gian di sản văn hóa danh nhân đáp ứng nhu cầu của khách tìm hiểu về những đóng góp của họ đối với giáo dục, bồi dưỡng nhân tài và những bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị trong đời sống xã hội hiện nay.
Trưng bày được thực hiện bởi tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm, có sự giúp đỡ chuyên môn từ các nhà khoa học Việt Nam, các chuyên gia đến từ Cộng hòa Pháp, chúng tôi cùng nhau kể câu chuyện về: 3 vị vua, 1 vị hoàng hậu, một nhà giáo và các Tiến sĩ, họ đều là những người đức độ, thông tuệ, cùng chia sẻ tầm nhìn về nhà trường, giáo dục - nhân tố cho phép hướng đến một xã hội yên bình, thịnh vượng và công bằng hơn./
Nguồn: Báo Đại đoàn kết

 

Tin liên quan