Lễ hội truyền thống là hoạt động văn hóa lâu đời, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân và luôn được người dân quan tâm, đặc biệt là những dịp đầu xuân năm mới. Lễ hội nào cũng chứa trong nó sự thiêng liêng gắn với đó là sự gửi gắm nhiều ước vọng con người mong muốn cho một năm mưa thuận, gió hòa, làm ăn may mắn. Tính thiêng trong lễ hội trở thành hạt nhân quan trọng gắn kết cộng đồng thành một khối thống nhất cùng chung ước vọng. Vì thế, đi lễ đền, chùa hoặc tham gia lễ hội đầu năm đã trở thành một món ăn tinh thần cũng như một nét văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam.

Lễ hội truyền thống Đền An Xá
Theo số liệu tổng hợp, hiện nay trên địa bàn huyện nhà có 28 lễ hội truyền thống được tổ chức, thu hút đông đảo nhân dân, con em quê hương và quý khách thập phương tham gia. Qua lễ hội, nhiều phong tục, tập quán, nét văn hoá truyền thống của địa phương tưởng chừng đã bị mai một, thất lạc thì nay được hiện lại một cách sinh động và lưu truyền cho những thế hệ mai sau. Đã từ lâu, mỗi khi Tết đến, Xuân về, vào ngày mùng 4 Tết, người dân thôn Nội Lăng, xã Thủ Sỹ lại tổ chức hội vật truyền thống đầu xuân. Trong tiếng trống rộn rã, khách đi trẩy hội như càng hào hứng hơn, bởi ai cũng muốn đến thật sớm để xem các đô vật đua tài. Ông Đào Duy Nhất, một người dân trong thôn cho biết: "Ngày hội vật của làng, dù ở xa hay gần, các con, cháu của gia đình tôi lại về dự đông đủ, trước là ra thắp hương khấn thành hoàng làng, sau đó lễ gia tiên. Với tuổi già như chúng tôi, nhìn thấy con, cháu đoàn tụ, sum vầy như thế là cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện".
Bên cạnh đó, người Việt tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc sống mưu sinh và cũng là dịp để du xuân, vãn cảnh. Phong tục lễ chùa ngày tết quả thật đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân. Từ người già, người trẻ đều chắp tay niệm Phật, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và người thân trong gia đình; cũng có những người đến chùa chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên nhằm xua tan đi những lo toan, vất vả trong cuộc sống, Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, hương trầm lan tỏa hòa cùng sắc màu của đèn hoa, mới thấy lòng mình lắng lại, thanh thản và nhẹ nhàng hơn.
Đi lễ đình, chùa trong những ngày tết đến, xuân về là việc làm mà bà Nguyễn Thị Luyến ở Thị Trấn Vương, luôn duy trì từ nhiều năm nay. Bà Luyến chia sẻ: Đi lễ chùa đầu năm đã trở thành một thói quen của gia đình, tôi thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, mọi muộn phiền, lo âu của cuộc sống dường như được giải tỏa. Thắp nén hương thơm với lòng thành kính cầu may mắn, sức khỏe cho gia đình, cầu cho năm mới mọi người được bình an, con cái chăm ngoan, học giỏi.
Một mùa xuân mới đã về, trong mỗi chúng ta ai cũng mong muốn có một năm mới nhiều sức khỏe, an lành, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn. Việc đi lễ đền, chùa không chỉ giúp cho người dân giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn của ông bà tổ tiên mà còn hướng con người tới giá trị tốt đẹp của chân - thiện - mỹ./.
Đoàn Xuân Định- Ban Tuyên giáo