Cần cù, chịu khó, sáng tạo trong công việc, chị Đào Thị Phượng ở thôn Tất Viên, xã Thủ Sỹ đã khởi nghiệp thành công từ mở xưởng may túi xuất khẩu. Chị trở thành tấm gương sáng trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Xưởng may gia đình nhà chị Đào Thị Phượng
Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng may gia công với hệ thống máy may, nhà xưởng được đầu tư xây dựng khá bài bản, Chị Phượng cho biết với mong muốn phát triển kinh tế gia đình đồng thời tạo việc làm cho chị em phụ nữ trong xã, đa phần họ muốn có thêm thu nhập nhưng vẫn có thời gian để chăm lo con cái trong gia đình, được đi tham quan học hỏi một số mô hình sản xuất ở trong và ngoài tỉnh. Nhận thấy việc may gia công túi xuất khẩu tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với rất nhiều đối tượng, nhất là những người lớn tuổi. Năm 2019, gia đình chị đầu tư xây dựng nhà xưởng và lấy tên là xưởng may túi Phượng Mạnh, nhà xưởng có diện tích 200 mét vuông, được đầu tư mua sắm đầy đủ các trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất . Những ngày đầu, công việc cũng gặp một số khó khăn do chị em mới làm chưa thành thạo trong công việc. Nhưng chị Phượng đã kiên trì dạy và chia ra các công đoạn như ráp thân, khâu miệng túi, ráp đáy, đóng quai cho từng người làm. Nhờ vậy, xưởng may túi dần dần đi vào ổn định và hoạt động hiệu quả. Mỗi năm gia đình chị thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Chị Phượng cho biết: “May vá là sở trường của chị em phụ nữ, vì vậy các chị rất nhanh chóng làm quen với công việc, chỉ trong vòng 1 tuần các chị đã nắm được các công đoạn làm túi, nhiều chị còn thành thạo kĩ thuật may.” Hiện nay, trung bình mỗi tháng xưởng may của chị Phượng xuất hơn 100 nghìn sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Pháp,... Hiện tại xưởng may của anh đang tạo việc làm cho khoảng 30 lao động với mức thu nhập từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Hoàng Thị Đan- một lao động của xưởng may (hội viên phụ nữ xã Thủ Sỹ) cho biết: “Nhờ xưởng may của Chị Phượng, tôi được đi làm gần nhà, có thêm thu nhập lúc nhàn rỗi. Nếu không có nghề này thì ngoài 2 vụ lúa chúng tôi cũng không biết làm gì để có thêm nguồn thu nhập. Nhiều chị em thuộc diện hộ nghèo, phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn nhờ làm việc ở cơ sở đã có thể tự trang trải cuộc sống.”
Chị Tạ Thị Nhinh, chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ xã Thủ Sỹ cho biết: Xưởng may túi của chị Phượng là một mô hình tiêu biểu và là hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Bên cạnh đó, chị còn là hội viên phụ nữ tích cực, nhiệt tình tham gia hoạt động hội, thường xuyên hướng dẫn, chia sẻ giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn”.
Với sự nỗ lực, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng, tin tưởng rằng, xưởng may chị Đào Thị Phượng sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, đồng thời sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đoàn Xuân Định- Ban Tuyên giáo