MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI- MỪNG ĐẢNG QUANG VINH- MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 26/06/2019 - Lượt xem: 503
Hưng Yên: Phát huy vai trò phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Trẻ em không chỉ là lực lượng đông đảo của hiện tại mà là nguồn nhân lực của tương lai. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hôm nay chính là “ươm mầm xanh” cho tương lai, là nhân tố tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước.

Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của một ngành, một cấp mà là trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp và toàn xã hội. Thấu triệt quan điểm đó, qua hai năm triển khai thực hiện Luật Trẻ em, công tác phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được các ngành chức năng và các địa phương quan tâm ủng hộ với những hình thức, nội dung đa dạng, phong phú và cam kết mạnh mẽ hơn, từng bước đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo dựng môi trường an toàn để trẻ em phát triển toàn diện.

   Sau khi Luật Trẻ em được Quốc hội thông qua ngày 05/4/2016, thực hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Sở Lao động – Thương bình và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và đề xuất việc lồng ghép một số mục tiêu về trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, Sở chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương và cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền, phổ biến về Luật Trẻ em, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển của Trung ương, của tỉnh về thực hiện quyền trẻ em; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, cộng tác viên làm công tác trẻ em tại cơ sở, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ em cho cha, mẹ, người nuôi dưỡng và bản thân trẻ em.

   Cùng đó, Sở đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện các mô hình, dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em như: mô hình ngôi nhà an toàn, câu lạc bộ quyền trẻ em; xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Đẩy mạnh vận động nguồn lực xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em, thường xuyên quan tâm, chăm lo đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hàng năm Qũy Bảo trợ trẻ em các cấp đã tổ chức các chăm lo cho 60 ngàn trẻ em, trong đó chú trọng đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thực hiện tốt việc hỗ trợ chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng cho trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị tàn tật, khuyết tật theo đúng quy định của nhà nước. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 96%; 160/161 (đạt 99,38%) xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế được duy trì ở mức 100%; số trẻ em bị tai nạn, thương tích giảm dần qua từng năm.

   Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu UBND các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực trẻ em; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan bảo đảm việc bảo vệ trẻ em trong quá trình xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024; hướng dẫn nghiệp vụ cho Phòng Tư pháp và UBND cấp xã trong lĩnh vực hộ tịch, đăng ký khai sinh, chứng thực, nuôi con nuôi,... đảm bảo đúng quy định. Ngoài ra, hàng năm, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban các văn bản triển khai thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, trợ giúp pháp lý, tham gia tố tụng, trong đó có nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em. Sau hai năm, Sở đã đăng ký khai sinh cho 44 trẻ em có yếu tố nước ngoài; thụ lý và tham mưu UBND tỉnh giải quyết xong 05 hồ sơ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài do Bộ Tư pháp chuyển về; giải quyết 01 hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam; thụ lý 1.774 vụ việc cho 1.625 lượt người (trong đó có 70 trẻ em) được trợ giúp pháp lý (trong đó tư vấn pháp lý 25 lượt trẻ em; tham gia tố tụng cho 55 lượt trẻ em).

   Công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em được Sở Y tế ngày càng quan tâm thực hiện. Hệ thống chăm sóc sức khỏe từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn được kiện toàn, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 99%; công tác bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em được tăng cường, tỷ lệ phụ nữ được khám thai trên 03 lần trước khi sinh đạt 98%; 100% trẻ từ 6 tháng đến 60 tháng tuổi và các bà mẹ sau sinh được uống Vitamin A; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng là 11,6%, giảm 0,02%; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế. 100% trường THCS và tiểu học có cán bộ y tế học đường. Hằng năm, ngành Y tế đều tổ chức tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai và hướng dẫn cách chăm sóc cho trẻ em.

Hoạt động xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện được Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai có hiệu quả. Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thường xuyên tổ chức tuyên truyền Luật Trẻ em, quyền và bổn phận của trẻ em, phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, làm tốt công tác bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ thông qua các hoạt động như: tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh về tầm quan trọng của công tác bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường giáo dục an toàn; tổ chức các buổi hội thảo giáo dục kiến thức về giới, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa; đẩy mạnh hoạt động của Tổ tư vấn học đường để kịp thời hỗ trợ tâm lý cho học sinh vượt qua các khó khăn,... Công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích; phòng chống đuối nước trẻ em; kỹ năng về văn hóa giao thông, an toàn giao thông cho trẻ em được lồng ghép vào các bài học, giờ học ngoại khóa; nhiều trường học đã có các mô hình về “Trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích”, mô hình về giáo dục An toàn giao thông ở các nhà trường. Hàng năm, các nhà trường chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và phát triển nhân cách, kỹ năng sống cho trẻ em thông qua nhiều hoạt động ngoại khóa tại trường và cho trẻ em đi trải nghiệm thăm quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử ở trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, Sở đã chỉ đạo các trường có học sinh ăn bán trú thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn về dinh dưỡng theo quy định. 100% học sinh của các trường Mầm non, Tiểu học, THCS được kiểm tra sức khỏe định kỳ theo quy định của công tác y tế trường học.

Chăm lo đời sống tinh thần, vui tươi, an toàn, lành mạnh cũng là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác bảo vệ trẻ em và thực hiện quyền bổn phận của trẻ em. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức các hoạt động giải trí lành mạnh cho các cháu thiếu nhi thông qua đội chiếu phim lưu động trên địa bàn tỉnh. Sở đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức “Ngày hội đọc sách” thu hút đông đảo các em học sinh tham gia và tạo cho các em hứng thú đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong lứa tuổi các em thiếu nhi; duy trì tổ chức các hội thi như: “Liên hoan giai điệu tuổi hồng và Thiếu nhi kể chuyện hè”; “Tiếng hát hoa phượng đỏ”, thi đấu bóng đá mini,... Các hoạt động đẩy mạnh thực hiện Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình được ngành quan tâm thông qua các hình thức sinh hoạt thôn, tổ dân phố để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư trong thực hiện công tác gia đình, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình. Đồng thời, Sở đã triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở hầu hết các huyện, thành phố, thị xã. Các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình có nhiệm vụ can thiệp, hòa giải các vụ tranh chấp, bạo lực gia đình. Việc đưa các tiêu chí về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào hương ước, quy ước làng văn hóa đã được các hộ gia đình quan tâm thực hiện.

Sở Thông tin - Truyền thông đã ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ quan báo chí địa phương; phòng Văn hóa - Thông tin, Đài truyền thanh các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về chăm sóc, bảo vệ trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; phổ biến các chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hệ thống thông tin cơ sở đã tiếp phát đầy đủ các chương trình của đài cấp trên. Phối hợp tổ chức các hoạt động ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em và vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực xây dựng công trình phúc lợi, tạo điều kiện cho trẻ em được phát triển bình đẳng và toàn diện.

Công an tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, Đài Phát thanh – Truyền hình, Báo Hưng Yên tổ chức tuyên truyền chính sách, quy định của Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an và UBND tỉnh về quyền trẻ em và bảo vệ quyền trẻ em với nhiều hình thức đa dạng, thường xuyên đổi mới cho phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, đơn vị. Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch phối hợp và thực hiện “Tuyên truyền pháp luật học đường, nâng cao năng lực nhận biết và kỹ năng phòng tránh những mối nguy hại cho học sinh, sinh viên và giáo viên”; tổ chức tuyên truyền theo các chuyên đề cho học sinh, giáo viên trong các trường học trên địa bàn tỉnh như: cuộc thi tìm hiểu pháp pháp luật về Luật Trẻ em, Luật An toàn giao thông, Luật Phòng chống ma túy,... Thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em và tội phạm liên quan đến trẻ em. Trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính đối với trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại và người làm chứng đã được Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, quán triệt Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc quy định Luật trẻ em, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng; đảm bảo áp dụng các biện pháp phòng ngừa, biện pháp ngăn chặn phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và mức độ vi phạm của trẻ em. Thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong áp dụng các biện pháp hỗ trợ trẻ em vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng.

Tòa án nhân dân đã thực hiện tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án liên quan tới trẻ em. Tòa án nhân dân tỉnh luôn chỉ đạo Tòa án hai cấp trong trường hợp xét xử các vụ án có đối tượng là người chưa thành niên là trẻ em phạm tội phải tuân thủ chặt chẽ quy định củạ pháp luật, trong đó đặc biệt chú trọng các quy định về phân công thành phần Hội đồng xét xử, Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử là giáo viên và cán bộ công tác tại Đoàn thanh niên để nắm bắt rõ hơn tâm lý của các bị cáo, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc chỉ định Luật sư bào chữa cho bị cáo. Việc áp dụng hình phạt đối với bị cáo là trẻ em phạm tội phải căn cứ chặt chẽ theo quy định của pháp luật, vừa đảm bảo tính răn đe của pháp luật, vừa đảm bảo tính giáo dục, nhân đạo của pháp luật, tạo cơ hội cho bị cáo có cơ hội cải tạo thành công dân tốt sau này.

Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tổ chức tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, đoàn viên nắm được các quy định của Luật Trẻ em để thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em và phòng ngừa hành vi vi phạm quyền của trẻ em thông qua các cuộc họp thôn xóm và các buổi sinh hoạt của các chi hội. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động như hội trại, hội thi, tuyên truyền về Luật Trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em... nhân dịp hè hàng năm để thúc đẩy trẻ em tham gia, góp phần giảm tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật và trẻ em bị xâm hại, bạo lực xảy ra. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quyền và bổn phận trẻ em, các biện pháp nuôi con khỏe, dạy con ngoan, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em cho các cán bộ, hội viên phụ nữ nắm được nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho trẻ em như tôn trọng, lắng nghe ý kiến của trẻ em, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em được phát triển toàn diện về sức khỏe, tinh thần, trí tuệ, bảo vệ hình ảnh, thông tin về đời sống riêng tư của trẻ em...

Như vậy, việc triển khai Luật Trẻ em nói chung và các văn bản về triển khai thực hiện các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói riêng trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo bằng việc ban hành hệ thống các văn bản, xây dựng cơ chế chính sách, các giải pháp về tổ chức bộ máy và bố trí nguồn lực thực hiện. Nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được nâng lên và có sự chuyển biến rõ rệt; trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tăng cường ở gia đình - nhà trường - xã hội, các quyền của trẻ em được bảo đảm. Nhiều biện pháp tích cực và đa dạng của các cấp, các ngành, đoàn thể đã được thực hiện từng bước, cải thiện tình hình sức khỏe, học tập, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi cho trẻ em; nhiều phong trào hoạt động tự nguyện, nhân đạo vì trẻ em được phát triển ở cơ sở đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, nhất là coi trọng việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trần Hữu Chất_BTGTU

 

Tin liên quan