MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI- MỪNG ĐẢNG QUANG VINH- MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024
Giới thiệu về huyện Tiên Lữ
Đăng ngày: 09/01/2024 - Lượt xem: 5132
HUYỆN TIÊN LỮ- LỊCH SỬ HÌNH THÀNH - TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA

Huyện Tiên Lữ nằm ở phía Nam tỉnh, là cửa ngõ phía Đông của thủ phủ Hưng Yên. Địa giới của huyện: phía Bắc giáp huyện Ân Thi và Kim Động; phía Nam có dòng sông Luộc và bên kia là huyện Hưng Hà - tỉnh Thái Bình; phía Đông giáp huyện Phù Cừ; phía Tây giáp thị xã Hưng Yên và dòng sông Hồng là đường phân giới với huyện Lý Nhân - tỉnh Hà Nam. Trên mảnh đất này, từ xa xưa cho đến ngày nay trường tồn cùng lịch sử đất nước, địa danh và phạm vi hành chính qua bao lần thay đổi.

        I-LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

       Căn cứ vào những nguồn sử liệu cổ xưa, xác định vùng đất của quê hương Tiên Lữ ngày nay xuất hiện trong lịch sử từ rất sớm. Vào thời các Vua Hùng dựng nước, vùng đất này thuộc quận Giao Chỉ, rồi nằm trong Giao Châu vào đầu thiên niên kỷ trước. Đến thời Ngô Quyền khởi binh đánh tan quân Nam Hán, vùng đất này gọi là Mạc Liên, sau chuyển thành Cư Liên thuộc đất Đằng Châu. Thời tiền Lê đổi đạo thành lộ, dưới lộ là phủ, dưới phủ là hương, thì địa bàn này thuộc Khoái Lộ. Sau đó, lại đổi lộ thành châu, nên vẫn thuộc Khoái Châu. Thời nhà Lý chia cả nước thành 24 lộ, vùng đất này thuộc lộ Khoái Châu. Sau khi Trần Thái Tông lên ngôi, vào năm Nhâm Dần (1252) lại đổi thành 12 phủ, dưới phủ là huyện, dưới huyện là hương, vùng đất này là huyện Tiên Hoa thuộc phủ Khoái Châu. Vào thời hậu Lê gọi là huyện Tiên Lữ vẫn thuộc phủ Khoái Châu. Năm Quang Thuận thứ X (1469), Lê Thánh Tông chia cả nước làm 13 đạo thì huyện Tiên Lữ thuộc đạo Sơn Nam. Năm Cảnh Hưng thứ hai (1741), Lê Hiển Tông đổi đạo thành trấn, có trấn lại chia thành thượng và hạ, huyện Tiên Lữ thuộc phủ Khoái Châu của vùng đất Sơn Nam thượng trấn.

     Vào thời nhà Nguyễn, bỏ cấp trấn để thành lập cấp tỉnh. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), tỉnh Hưng Yên được thành lập từ hai phủ Khoái Châu và phủ Tiên Hưng, huyện Tiên Lữ thuộc về phủ Tiên Hưng, là một trong 8 huyện của tỉnh Hưng Yên.

     Năm 1890 thành lập tỉnh Thái Bình, huyện Thần Khê chuyển về tỉnh Thái Bình, phủ Tiên Hưng còn lại bốn huyện: Tiên Lữ, Phù Cừ, Duyên Hà và Hưng Nhân.

     Năm Thành Thái thứ VI (1894), chuyển huyện Tiên Lữ và Phù Cừ về phủ Khoái Châu, phủ Tiên Hưng còn lại hai huyện Duyên Hà và Hưng Nhân nhập vào tỉnh Thái Bình. Năm 1947, huyện Văn Giang của tỉnh Bắc Ninh chuyển về tỉnh Hưng Yên; cho đến trước khi hợp nhất tỉnh (01/1968), huyện Tiên Lữ là 01 trong 9 huyện của tỉnh Hưng Yên.

     Ngày 26/01/1968, theo Quyết định số 504-NQ/TVQH của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất, huyện Tiên Lữ nằm trong địa bàn của tỉnh Hải Hưng.

     Ngày 11/3/1977, theo Quyết định số 58-CP/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc hợp nhất một số huyện của tỉnh Hải Hưng, trong đó có sự hợp nhất của hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ gọi là huyện Phù Tiên.

     Ngày 6/11/1996, kỳ họp thứ 10 của Quốc Hội khoá IX phê chuẩn chia tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên theo địa giới hành chính cũ.

     Ngày 01/01/1997 tỉnh Hưng Yên được tái lập.

    Sau 20 năm hợp nhất, ngày 24/3/1997, Chính phủ ra Nghị định số 17-NĐ/CP về việc tách huyện Phù Tiên thành hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ theo địa giới trước khi hợp nhất. Ngày 2/5/1997, huyện Tiên Lữ tổ chức trọng thể Lễ tái lập huyện. Sự kiện lịch sử này có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ và Nhân dân huyện Tiên Lữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

     Thủ phủ của huyện từ xa xưa cho đến thời thuộc Pháp vẫn đóng trên đất Đào Đặng. Vào những năm đầu thế kỷ XX, huyện lỵ chuyển về Thụy Lôi. Sau khi sơ tán chống cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, huyện lỵ chuyển về khu vực phố Giác, giáp giới xã Ngô Quyền và xã Dị Chế. Ngày nay thuộc thị trấn Vương, nơi giao điểm của đầu mối giao thông quan trọng của đường 39B và đường 200, là khu vực trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của huyện.

     Huyện Tiên Lữ ngày nay có diện tích tự nhiên là 78,57km2 (bằng 7.856,6ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 4.827,4ha, đất phi nông nghiệp là 2.190,8ha) và được phân giới thành các đơn vị cơ sở. Qua mỗi thời kỳ lịch sử đơn vị hành chính cấp cơ sở có sự thay đổi. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, toàn huyện có 8 tổng gồm 64 xã (tức 64 làng).

     Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, bỏ cấp tổng, đơn vị cơ sở chỉ còn lại cấp xã. Đầu năm 1946, bỏ đơn vị xã cũ để thành lập xã mới (thường gọi là liên xã).

     Từ năm 1947 - 1949 lại tiếp tục điều chỉnh tên gọi và địa giới hành chính các xã mới. Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, toàn huyện có 12 xã là: Nhật Tân, Ngô Quyền, Hưng Đạo, Quảng Châu, Tân Hưng, Liên Phương, Thủ Sỹ, Cương Chính, Ái Quốc, Minh Khai, Nghĩa Dũng, Phan Tây Hồ.

     Năm 2003, thực hiện Nghị định 108/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ, 4 xã: Trung Nghĩa, Liên Phương, Hồng Nam và Quảng Châu chuyển về thị xã Hưng Yên. Đến năm 2013, toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của 3 xã: Hoàng Hanh, Phương Chiểu, Tân Hưng tiếp tục được chuyển về theo quản lý hành chính của thành phố Hưng Yên khi mở rộng. Huyện Tiên Lữ vì vậy còn lại 15 xã, thị trấn: thị trấn Vương (Huyện lỵ) và 14 xã: An Viên, Cương Chính, Dị Chế, Đức Thắng, Hải Triều, Hưng Đạo, Lệ Xá, Minh Phượng, Ngô Quyền, Nhật Tân, Thiện Phiến, Thủ Sỹ, Thụy Lôi, Trung Dũng.

Huyện Tiên Lữ

                II- ĐỊA HÌNH, KHÍ HẬU, SÔNG NGÒI

      Địa hình toàn huyện tương đối phẳng có độ cao, thấp khác nhau. Từ xa xưa đều thừa nhận "núi Đẩu Sơn" thuộc địa phận làng Đào Đặng (xã Trung Nghĩa) có độ cao nhất tỉnh. Song, do quá trình khai phá đất hoang, cùng mưa gió và chiến tranh tàn phá, liên độ cao giảm dần. Hiện nay, nơi cao nhất thuộc cánh đồng Tây Nam của thôn Đào Đặng (xã Trung Nghĩa) có độ cao là + 3m90 so với mặt nước biển thủy chuẩn. Nơi trũng nhất huyện thuộc cánh đồng Tây Nam thôn Phù Liễu xã Lệ Xá là 0m, bằng mặt nước biển lúc thủy chuẩn. Độ cao thoải dần về phía Nam là các xã ven sông Luộc, trong đó có đồng đất thôn Triều Dương và Mai Xá thuộc diện trũng nhất huyện, cả xã Hoàng Hanh và 98% diện tích xã Quảng Châu cùng một phần diện tích xã Tân Hưng, Thiện Phiến, Thụy Lôi, Hải Triều, Cương Chính nằm ngoài đê, hằng năm Nhân dân phải sống chung với lũ. Ngoài ra còn có nơi trũng cục bộ tạo nên “lòng chảo” thuộc các cánh đồng xã Nhật Tân, Hưng Đạo và một số xã khác. Như vậy, cốt đất ở Tiên Lữ thuộc diện trũng nhất nhì trong tỉnh, làm cho việc tiêu úng vào mùa nước rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc canh tác của Nhân dân địa phương.

      Về thổ nhưỡng có độ phì tương đối cao do được sông Hồng, sông Luộc lắng đọng phù sa hàng nghìn năm thuở trước. Qua điều tra nông hoá thổ nhưỡng phân ra 3 hạng đất chính: Đất thịt nhẹ có độ phì cao dễ canh tác chiếm 21,93%, trong đó có một phần đất bãi. Đất thịt trung bình là 43,3%. Đất thịt nặng là 34,77% diện tích canh tác, trong đó có một số ít diện tích là đất pha cát khó làm, số còn lại pha sét hoặc bị thôi chua do úng thủy từ trước gây nên.

     Về khí hậu, huyện Tiên Lữ nằm trong vùng nhiệt đới ẩm - gió mùa. Một năm có đủ bốn mùa: xuân - hạ - thu - đông. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 23°C; lượng mưa hằng năm đạt 1.000ml đến 1.700ml. Thiên nhiên để lại biết bao ưu đãi về địa hình, thổ nhưỡng, chế độ thủy văn, cho phát triển nông nghiệp, trồng được một số loại cây công nghiệp như đay, mía, lạc và nuôi trồng được những cây con đặc sản, rau màu có giá trị kinh tế cao. Song, những năm thiên tai khắc nghiệt gây ra biết bao tai hoạ: nắng lửa, hạn khô; mưa dầm, bão lụt gây ra úng thủy; gió tây, sương muối làm cho việc canh tác vô cùng vất vả, ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, có khi cướp trắng bao tiền của, công sức của người lao động.

     Về sông ngòi, phía Tây Nam có dòng sông Hồng là đường phân giới tự nhiên với huyện Lý Nhân - tỉnh Hà Nam. Phía Nam có dòng sông Luộc, bên kia sông là huyện Hưng Hà - tỉnh Thái Bình. Hợp điểm nối tiếp của dòng sông Hồng, sông Luộc, sông Thái Bình làm thành ngã ba sông Tuần Vường kề sát đất Tân Hưng. Cùng với sông Hồng và sông Luộc, trong huyện còn có  ba dòng sông cổ hình thành từ xa xưa là sông Càn Đà nối tiếp với sông Cửu An rồi đổ ra cửa Gàn1. Sông Nghĩa Trụ nối tiếp từ địa phận huyện Phù Cừ chảy qua các xã: Lệ Xá, Trung Dũng, Đức Thắng, Dị Chế, An Viên và Hải Triều rồi đổ về cống Triều Dương. Sông Lê Như Hổ tưới tiêu cho đồng đất các xã Hồng Nam, Tân Hưng, Thủ Sỹ và Phương Chiểu.

     Về đường thủy: Theo dòng sông Hồng, sông Luộc có thể lên Hà Nội, ra Hải Phòng, xuống Nam Định được thuận tiện. Dựa theo triền sông có 17,23km đê sông Hồng, sông Luộc sừng sững ngăn nước lũ bảo vệ cuộc sống thanh bình cho những làng quê và đó cũng là tuyến giao thông đường bộ quan trọng.

      Cùng với đường thủy, đường bộ của huyện có vị trí quan trọng trong đời sông, sản xuất, chiến đấu và giao lưu văn hoá của Nhân dân trong huyện. Đường 39B chạy từ Tây sang Đông ngang qua khu trung và khu Bắc, là tuyến giao thông trọng yếu nối thành phố Hưng Yên với thành phố Hải Dương. Đường 200 nối từ đê sông Luộc lên Ân Thi, hợp điểm với đường 39B tại ngã tư Phố Giác nên giao thông vô cùng thuận tiện. Ngoài ra, hệ thống giao thông nông thôn đang được bê tông hoá và nâng cấp bằng vật liệu cứng đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn đổi mới.

      Từ các xã, thị trấn trên địa bàn của huyện đều có thể xuất phát bằng hệ thống giao thông thủy bộ là đi Hà Nội, ra Hải Phòng, vào Nam, lên Bắc đến với các địa phương trong cả nước được thuận tiện. Với địa thế đó, huyện Tiên Lữ là cửa ngõ phía Đông của tỉnh Hưng Yên có vị trí quan trọng về quân sự trong các cuộc chiến tranh giữ nước, thuận tiện cho giao lưu phát triển kinh tế - văn hoá đối với các địa phương trong và ngoài tỉnh.            

          III- VĂN HÓA- XÃ HỘI

      Trên vùng đất này, cư dân Tiên Lữ tới đây lập nghiệp từ rất sớm. Với trí thông minh và lòng dũng cảm, sự cần cù và sáng tạo, đoàn kết gắn bó bên nhau khắc phục những trở lực của thiên nhiên, tạo lập những làng quê trù phú, góp phần nhất định vào quá trình dựng nước và giữ nước, hình thành dân tộc Việt Nam.

     Tính đến năm 2020, toàn huyện có 93.554 người, với mật độ dân số 1.191 người/km2, một số địa phương có mật độ dân số đông như: Thủ Sỹ, An Viên, Dị Chế, Nhật Tân...v.v.

     Cư dân Tiên Lữ là người Kinh, có tính cộng đồng cao. Từ xa xưa, đại bộ phận Nhân dân chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Sau này, đạo Thiên Chúa xuất hiện chỉ có một số ít tin theo, chiếm khoảng 0,8% dân số; đại bộ phận Nhân dân lao động giữ tín ngưỡng dân gian, thờ cúng tổ tiên hướng về cội nguồn dân tộc.

     Đến năm 2020, toàn huyện có 138 di tích các loại, bao gồm: 32 đình, 17 đền, 47 chùa, 16 miếu, 01 văn chỉ, 6 phủ, 3 đạn, 15 nhà thờ họ, 01 đền thờ danh nhân. Trong đó, đền An Xá - xã An Viên được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, với 2 bảo vật Quốc gia; 11 di tích, cụm di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 17 di tích xếp hạng cấp tỉnh1.

     Cùng với văn hoá vật chất, những giá trị văn hoá tinh thần được các đời kế tiếp xây dựng, mà biểu trưng là lễ hội truyền thống và đời sống tinh thần của cư dân trong các làng xã. Lễ hội thường tập trung vào mùa xuân. Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về từ ngày mồng 4 Tết trở ra, tùy theo từng làng xã có quy định riêng, các làng đều "vào đám” - mở hội khai xuân, mang đậm dấu ấn của công xã nông thôn thu hút các bậc cao niên, trai tài, gái giỏi và cả bàn dân thiên hạ vào hoạt động văn hoá làng xã.

     Trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam, cư dân Tiên Lữ có 19 vị đỗ tiến sĩ; 10 vị đỗ sinh đồ và hương cống trong đó có những bậc hiền tài như tiến sĩ Đào Công Soạn, Lê Như Hổ... học rộng tài cao làm quan giúp dân cứu nước.

     Qua các cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc bảo vệ Tổ quốc, toàn huyện có trên 25.000 người tham gia lực lượng vũ trang, có 9 anh hùng quân đội, 01 anh hùng lao động. Xã Hưng Đạo, Hải Triều, Thiện Phiến và Lệ Xá, Nhật Tân, Dị Chế, Thủ Sỹ, Trung Dũng được Nhà nước tặng thưởng Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Huyện Tiên Lữ được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân" năm 1999.

     Ngày nay, các xã, thôn trong huyện đang vững bước trên con đường đổi mới, viết tiếp những trang sử kiến tạo xóm thôn của cha ông thuở trước. Hệ thống điện - đường - trường học - trạm xá được nâng cấp và từng bước hướng tới hiện đại hoá, đưa khoa học công nghệ về với nông thôn để tạo nên những bước đột phá mới về kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Nông thôn trên quê hương Tiên Lữ đang đổi mới từng ngày, Trường Mầm non xã Nhật Tân là đơn vị lá cờ đầu của ngành giáo dục. Trường Tiểu học Thiện Phiến và Hải Triều được xếp loại trường chuẩn Quốc gia. Con em Nhân dân lao động được tri thức hoá, nhiều người có trình độ chuyên môn và văn hoá cao. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến năm 2010, toàn huyện có 25 vị tiến sĩ, giáo sư; 68 vị là Phó Tiến sĩ, Phó Giáo sư; 125 đồng chí là cán bộ cao cấp trong quân đội, trong đó có 6 vị là cấp tướng và 20 vị giữ các chức vụ tương đương Thứ trưởng, Bộ trưởng và hai nhà văn được giải thưởng văn học Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn hàng nghìn người con của quê hương Tiên Lữ có trình độ đại học là kỹ sư, bác sĩ, các văn nghệ sĩ, cử nhân chuyên ngành, giáo viên, cán bộ quản lý trong và ngoài quân đội đang công tác và lập nghiệp trên mọi miền Tổ quốc, hằng ngày, hằng giờ đang hướng về cùng toàn dân, xây dựng quê hương giàu đẹp.

                                                                                                                                    Ban Tuyên giáo Huyện ủy

 

Tin liên quan