MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI- MỪNG ĐẢNG QUANG VINH- MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024
Chính trị
Đăng ngày: 07/04/2024 - Lượt xem: 557
Kiên định con đường chủ nghĩa xã hội- kim chỉ nam trong xây dựng và phát triển đất nước

“Chủ nghĩa xã hội” và “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” là nội dung trọng tâm, cốt lõi nhất trong công tác xây dựng và phát triển đất nước. Hiện nay, những vấn đề này đang bị các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội chính trị hướng mũi nhọn chống phá. Vì vậy, công tác đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch về chế độ xã hội chủ nghĩa vừa là vấn đề có tính cấp thiết, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, cơ bản, lâu dài của cả hệ thống chính trị nói chung và mỗi người cán bộ, đảng viên nói riêng.

“Xã hội chủ nghĩa” – Sự lựa chọn lịch sử của chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam

Tháng 7/1920, trên hành trình đi tìm đường cứu nước, chàng trai Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ đã đọc được sơ thảo lần thứ nhất những luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo (Pháp). Từ đó, Người nhận ra con đường cứu nước chân chính: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng độc lập có gắn liền với chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm mọi quyền và đem lại hạnh phúc cho mỗi người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cận và truyền đạt về chủ nghĩa xã hội theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, Người đề cập nhiều đến mục đích của chủ nghĩa xã hội bởi lẽ mục đích hướng đến của chủ nghĩa xã hội thể hiện rõ nét nhất bản chất, sự ưu việt hình thái xã hội này so với hình thái kinh tế xã hội đang hiện hữu – tư bản chủ nghĩa. Cụ thể hóa quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Đảng Cộng Sản Việt Nam ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng đến nay luôn khẳng định chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và Nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường xây dựng và bảo vệ đất nước. Trải qua các kỳ đại hội, con đường đi lên CNXH của nước ta đều được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định rõ trong mục đích, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển đất nước, lấy đó làm nền tảng đưa Việt Nam ngày một phát triển. Thực tế chứng minh rằng, sự lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội là yếu tố quan trọng dẫn đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ta sau này. Với việc phát huy được tinh thần yêu nước của mọi giai tầng trong xã hội cùng sự lãnh đạo sáng suốt của chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản, nhân dân Việt Nam đã làm nên những chiến công vang dội lịch sử: lần đầu tiên một quốc gia thuộc địa đánh bại được không chỉ một mà cả hai đế quốc sừng sỏ nhất lúc bấy giờ. Việt Nam qua đó cũng trở thành hình mẫu tiên phong trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tại các quốc gia thuộc địa, thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội và cách mạng vô sản.

Sau khi giành được độc lập, thống nhất, sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn gây ra bởi hậu quả chiến tranh. Nhờ kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà Nước trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, Việt Nam đã có sự phát triển “thần tốc” trong suốt thời gian vừa qua, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Nhận diện và phê phán những luận điệu sai trái, xuyên tạc về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam hiện nay

Trong suốt quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển đất nước, dù rằng đã đạt được vô số thành tựu đáng tự hào, tuy nhiên, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta luôn gặp phải sự chống phá mạnh mẽ đến từ các thế lực thù địch. Để phá hoại chế độ XHCN, chúng tung ta những quan điểm, luận điệu dưới nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Đặc biệt là luôn hướng mũi nhọn tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng đó là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chế độ xã hội chủ nghĩa. Qua thực tiễn đấu tranh có thể xác định những luận điệu này tập trung thành các nhóm chính sau:

Nhóm một: Những luận điệu nhằm phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh qua đó phủ định về chế độ xã hội chủ nghĩa.

Điểm chung của nhóm này là lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hiểu biết chưa đầy đủ của một bộ phận người dân về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để tuyên truyền những luận điệu sai trái nhắm vào các vấn đề: Nội dung học thuyết hình thái kinh tế- xã hội; nội dung học thuyết giá trị thặng dư; nội dung sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, tấn công vào mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh,…

Dễ dàng nhận thấy những luận điệu này được đưa ra nhằm đánh tráo khái niệm, lợi dụng những yếu tố mới của thời đại để phủ nhận về những quy luật khách quan, cốt lõi của quá trình vận động, thay thế giữa các hình thái kinh tế xã hội. Thời đại mà chúng ta đang sống có nhiều sự thay đổi so với thời đại của C.Mác - Ăng-ghen - Lê-nin nhất là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, những biến đổi đó không vượt ra ngoài những quy luật, nguyên lý chung, khách quan đã được khẳng định. Những quy luật phổ biến của phép biện chứng duy vật, những quy luật phổ biến của sự phát triển xã hội loài người, cũng như quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất,….vẫn đang tồn tại và hằng ngày tác động đến đời sống xã hội.

Nhóm hai: Những quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc về chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận thành quả con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc.

Thời gian qua, các thế lực thù địch ra sức đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” bằng việc chống phá cách mạng Việt Nam, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, chia rẽ nội bộ, gây mất ổn định về chính trị nhằm cản trở quá trình Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những quan điểm sai trái này chủ theo các hướng sau:

- Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam.

- Những quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận đường lối cách mạng của Đảng, phủ nhận công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

- Những quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc về cán bộ lãnh đạo của Đảng.

- Công kích những tiền đề phục vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội như: xuyên tạc, phản bác thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; phủ nhận Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội và Công an.

- Phủ nhận sự phát triển đời sống xã hội, những thành quả đất nước đã đạt được trong xây dựng chủ nghĩa xã hội…

Chỉ gần 40 năm đổi mới Việt Nam tự hào từ một quốc gia bị tàn phá nặng nề bởi hai cuộc chiến tranh xâm lược nay đã sánh vai với các quốc gia trên thế giới. Có vị thế, có tiếng nói trên chính trường thế giới. Nhân dân Việt Nam ngày nay được hưởng những giá trị vật chất, tinh thần mà những năm trước đây đó là niềm mơ ước của bao thế hệ cha ông. Trong quá trình lãnh đạo đất nước chính quyền non trẻ của Việt Nam còn mắc phải những sai lầm nhưng không vì thế mà có thể phủ nhận được sự lãnh đạo tuyệt vời của Đảng và Nhà nước. Hơn hết thẩy, sau mỗi sai lầm, Đảng và Nhà nước ta đã nghiêm túc rút ra những bài học kinh nghiệm qua đó xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh.

Nhóm ba: Những quan điểm nhằm truyền bá tư tưởng chủ nghĩa tư bản, văn hóa độc hại tác động đến tư tưởng của quần chúng nhân dân.

Lợi dụng cách mạng khoa học công nghệ, sự phát tiển bùng nổ của mạng Internet, các thế lực thù địch đẩy mạnh truyền bá những quan điểm chủ nghĩa tư bản, thúc đẩy “cách mạng màu”, “diễn biến hòa bình”,… làm gay gắt mối quan hệ giữa các nhóm xã hội.... nhằm chuyển hóa thể chế chính trị ở nước ta. Các đối tượng tập trung truyền bá chủ nghĩa vật chất, tự do dân chủ quá chớn, khoe khoang về bề nổi hào nhoáng của chủ nghĩa tư bản đồng thời lợi dụng “quyền tự do ngôn luận” từ đó xuyên tạc về các chính sách phát triển đất nước. Đánh vào tâm lý “thích ăn sổi” của “dân cư mạng”, thế lực thù địch đưa ra những quan điểm trái chiều liên quan đến những sự kiện xã hội nổi bật của đất nước hay những sự kiện được đông đảo người dân quan tâm từ đó định hướng dư luận xã hội nhằm phản bác các chủ trương, chính sách của Đảng, phỉ báng đội ngũ lãnh đạo của đất nước....dần dần tác động, làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây thực chất là sự ngụy biện của chủ nghĩa tư bản cũng như thế lực thù địch, chủ nghĩa tư bản vốn không hề tốt đẹp, hào nhoáng như những gì được cổ xúy. Bản chất bóc lột dù đã được ngụy trang tinh vi hơn nhưng không thể che giấu sự thật bất ổn trong chính xã hội các quốc gia tư bản hiện nay.

Ngay tại những xứ “độc lập, tự do, dân chủ”, người dân vẫn phải sống trong môi trường nguy hiểm, bị tấn công, kiểm soát về mọi mặt. Ngược lại, tại Việt Nam người dân ngày càng được quan tâm, đảm bảo về mọi quyền và lợi ích. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định an ninh con người là bộ phận quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia nói chung. Trong định hướng phát triển đất nước 10 năm 2021-2030, Đảng ta xác định: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, phân minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người”3. An ninh an toàn của con người được đặt vào vị trí trung tâm, vừa là động lực, vừa là mục tiêu xây dựng và phát triển xã hội thể hiện rõ chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn, phù hợp của Đảng và Nhà Nước về xây dựng chủ nghĩa xã hội.

“Củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào chế độ xã hội chủ nghĩa và con đường xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay”

Trong thời gian tới, bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục ó nhiều diễn biến phức tạp, xu thế toàn cầu hóa, thế giới phẳng tạo ra những điều kiện thuận lợi để chủ nghĩa tư bản hiện đại thực hiện truyền bá tư tưởng, làm lung lay lòng tin của quần chúng nhân dân. Qua đó thực hiện âm mưu chuyển hóa thể chế chính trị tại các quốc gia xã hội chủ nghĩa.

Mặc dù vậy, những mâu thuẫn trong xã hội tư bản chủ nghĩa cũng ngày một sâu sắc, bộc lộ ra bản chất mục nát của hình thái kinh tế xã hội này. Ở Việt Nam, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng được tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân. Đặc biệt, Đại dịch toàn cầu Covid 19 vừa qua đã giáng một đòn nặng nề vào những luận điệu tuyên truyền sai trái về chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, một lần nữa chỉ ra rằng chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa của vật chất, bóc lột chứ hoàn toàn không xây dựng một xã hội vì con người. Dịch bệnh toàn cầu cùng công cuộc “đốt lò” của Đảng Cộng Sản Việt Nam đang dần củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ngày một vững chắc. Đây cũng chính là thời điểm quan trọng, thích hợp nhất để kiên định niềm tin của nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội – con đường cách mạng mà cả dân tộc đã lựa chọn. Để củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân vào chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta cần chú trọng thực hiện những nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và phát triển hệ thống lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chế độ xã hội chủ nghĩa và các vấn đề liên quan

Thứ hai, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Thứ ba, đổi mới phương thức đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch, xử lý nghiêm các vi phạm trên không gian mạng.

Thứ tư, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những báo cáo viên, tuyên truyền viên tại địa phương

Thứ năm, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ.

Kiên định con đường xây dựng chủ nghĩa, phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị là yếu tố tiên quyết trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong thời gian tới cùng với sự đồng lòng nhất chí của quân và dân chắc chắn sẽ đưa đất nước Việt Nam ngày một phồn vinh thịnh vượng, mãnh mẽ vượt  qua mọi sự chống phá của thế lực thù địch.

Nguyễn Nhật Anh: Công an huyện Tiên Lữ

Tin liên quan