Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, mỗi người dân lại náo nức chuẩn bị đồ lễ cúng tiễn ông Táo về trời. Không ai biết chính xác tục lệ này có từ bao giờ, chỉ biết rằng lễ cúng ông Công, ông Táo từ lâu đã trở thành một phong tục, một nét đẹp văn hóa của người Việt. Tiễn ông Táo về chầu trời, người dân gửi gắm nhiều điều ước vọng để đón một năm mới bình an, hạnh phúc.
Cá chép được bày bán để phục vụ Tết ông Công, ông Táo
Làm nghề buôn bán, cuối năm là thời điểm bận rộn nhất, thế nhưng, giữa nhịp sống hối hả, chị Trần Lệ Hoa ở phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên) vẫn cẩn thận sửa soạn sắp mâm cơm, mua cá chép, hương, hoa... làm lễ tiễn ông Táo về trời. Chị Hoa cho biết: Theo tục lệ cha ông truyền lại, vào ngày 23 tháng Chạp, gia đình tôi chuẩn bị một mâm cỗ tươm tất để tiễn ông Táo về trời. Tôi thường để các con cùng mình chuẩn bị đồ lễ, kể cho các cháu nghe sự tích ông Công, ông Táo và ý nghĩa nhân văn của câu chuyện này, nuôi dưỡng lòng hướng thiện cho các con qua việc thả cá chép.
Cùng chung quan niệm đó, chị Lục Thị Thu Thủy ở phường Bần Yên Nhân (thị xã Mỹ Hào) chia sẻ: Cúng ông Công, ông Táo đã trở thành nghi lễ không thể thiếu với gia đình tôi. Tôi quan niệm lễ vật không quá cầu kỳ nhưng phải đủ đầy, thể hiện được sự thành tâm của gia chủ; qua đó, cũng gửi gắm mong muốn một năm mới bình an, sức khỏe cho cả gia đình.
Vào những ngày này, tại các chợ, cửa hàng bày bán đa dạng các mặt hàng phục vụ ngày Tết ông Công, ông Táo. Trong đó, các mặt hàng như: Bộ đồ mã ông Công, ông Táo; hoa, quả, cau, trầu… được đông đảo người dân chọn lựa. Cùng với đó, cá chép là thứ không thể thiếu để tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Theo quan niệm của người Việt, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núc. Đây đều là những vị thần định đoạt cát, hung, phước đức cho gia chủ. Vào ngày 23 tháng Chạp, ông Công, ông Táo lên chầu trời báo cáo việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm đó. Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, vào ngày này, mỗi người dân đều thành kính chuẩn bị mâm cơm cúng, cá chép, hương hoa làm lễ. Không ai biết chính xác nét đẹp văn hóa này có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó đã đi vào tiềm thức của người dân qua nhiều thế hệ. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc cúng lễ tuy có nhiều thay đổi, đơn giản hơn so với trước đây nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống. Tại các gia đình, phần lớn mâm cơm cúng ông Táo không quá cầu kỳ nhưng được chuẩn bị chu đáo, trang trọng, thể hiện lòng thành kính của gia chủ. Lễ cúng được tiến hành trước 12 giờ trưa bởi dân gian quan niệm sau thời điểm này là Táo quân lên chầu trời. Vật phẩm không thể thiếu trong ngày lễ này là cá chép. Một số gia đình mua cá chép giấy (đốt cùng vàng mã sau khi cúng), xôi gấc hình cá chép. Tuy nhiên, phần lớn các gia đình thường mua 3 con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cúng, khi làm lễ xong đem ra sông thả. Thả cá chép ngày Tết ông Công, ông Táo không chỉ là một nghi lễ tâm linh, giúp các Táo có “phương tiện” chầu Trời mà còn hướng con người đến những điều thiện, giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công. Nhiều người dân dẫn theo con, em mình để thả cá, truyền lại những nét đẹp truyền thống trong văn hóa, phong tục người xưa để lại cho đến ngày nay. Cùng với đó, xét về khía cạnh môi trường, việc thả cá chép còn góp phần làm đa dạng sinh học tại những khu vực cá được thả.
Tết ông Công, ông Táo đến báo hiệu ngày Tết Nguyên đán cũng sắp đến. Đây cũng là dịp để người thân, gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau ôn lại năm cũ đã qua, bàn bạc để vun vén, chăm lo cho một cái Tết đầm ấm, đầy đủ. Với những ý nghĩa tốt đẹp của phong tục truyền thống này, nét đẹp tín ngưỡng thờ cúng ông Công, ông Táo được người dân duy trì trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp, mang tính nhân văn, hướng đến chân, thiện, mỹ. Để gìn giữ trọn vẹn những giá trị này, mỗi gia đình cần ý thức được mục đích, ý nghĩa của nghi thức, thành kính, trang trọng nhưng không phô trương, lạm dụng... Việc thả cá phải có ý thức, không thả rác, góp phần bảo vệ môi trường, giữ cho ao, sông, hồ thêm sạch, đẹp…
Nguồn: Báo Hưng Yên