Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ninh Thị Thu Hương đã ban hành văn bản số 70/VHCS-NSVH gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Đông đảo du khách thập phương tham dự lễ khai Hội chùa Hương Xuân Quý Mão 2023. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN
Trong đó nêu rõ: Các bên liên quan cần chủ động tổ chức thanh, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội; đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc.
Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các địa phương, cơ quan chức năng tiếp tục tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024; Công văn số 5833/BVHTTDL-VP ngày 29/12/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn 2024 và các văn bản khác liên quan.
Văn bản yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiêm túc quán triệt triển khai thực hiện các nội dung trên và gửi báo cáo kết quả tổ chức lễ hội về Cục Văn hóa cơ sở trước ngày 19/2/2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Cục Văn hóa cơ sở: Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn, phối hợp trách nhiệm của tổ chức đoàn thể trong tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, công tác quản lý, tổ chức lễ hội đã đạt nhiều thành tựu. Trong 5 năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong cả nước có sự chuyển biến tích cực, những tồn tại, hạn chế ở các mùa lễ hội trước đây đã giảm, hoạt động lễ hội đi vào nề nếp. Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội từng bước được cải thiện. Những kết quả đó góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Tuy vậy, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong lễ hội vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc đòi hỏi các ngành chức năng phải tiếp tục có chính sách phù hợp để từng bước tháo gỡ, khắc phục, để lễ hội thực sự là thiết thực, chính đáng, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của nhân dân...
Nguồn: baotintuc.vn