“Cách mạng màu” (colour revolution) xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ XX và được bàn đến nhiều từ đầu thế kỷ XXI đến nay, với nhiều tên gọi khác nhau như: cách mạng nhung, đường phố, cam, hoa hồng, hoa tulip, hạt dẻ… những cuộc cách mạng với những phương thức khác nhau. Trong thực tế trên thế giới ở một số quốc gia đã rơi vào khủng hoảng, chết chóc, bất ổn chính trị và bất ổn đời sống kéo dài. Những minh chứng về "cách mạng màu" ở các nước, vùng lãnh thổ như: Philippin (năm 1983), Tiệp Khắc (năm 1989), Nam Tư (năm 2000), Gruzia (năm 2003), Kyrgyzstan (Cưrơgưxtan) năm 2005, Li-băng (năm 2005), Iran (năm 2009), Tuynidi (năm 2010), Ai Cập (năm 2011), Maidan - Ukraina (2014), Hồng Kông (năm 2014) và ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi: Lybia, Xyri, Angiêri, Yêmen, Marốc, Arập xê út, Ôman, Irắc… Gần đây, là những diễn biến chính trị phức tạp tại Thái Lan, Campuchia, Mianma, Inđônêxia, Bănglađét,… cho thấy bản chất nguy hiểm từ sự can dự của các thế lực vào tình hình nội bộ các nước có chủ quyền, gây ra bất ổn chính trị kéo dài, ly khai dân tộc nhằm tìm mọi cách thay thế chính quyền hiện tại.
"Cách mạng màu" là các cuộc lật đổ chế độ hiện tại bằng phương thức bất bạo động, các cuộc bạo lực chính trị có tổ chức, chính biến phi vũ trang ở quốc gia có chủ quyền nhằm lật đổ nhà nước đương nhiệm, gây ra khủng hoảng chính trị, có sự kết hợp giữa những kẻ chủ mưu trong nước và thế lực bên ngoài. Thế lực bên ngoài đóng vai trò “đạo diễn”, lực lượng bên trong giữ vai trò “thực thi”. Kết quả là ra bộ máy cầm quyền mới của lực lượng đối lập được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn, đây là chiến lược toàn cầu của Mỹ và phương Tây kể từ thời kỳ hậu chiến tranh lạnh đến nay. Thông qua cái gọi là "giương cao ngọn cờ dân chủ", chúng nhen nhóm lên những bất mãn, những đốm lửa phá hoại để tổ chức kích động, bạo loạn. Lôi kéo người dân tuần hành, biểu tình khiến cho các hoạt động kinh tế bị tê liệt, gây bất ổn về trật tự xã hội.
Phương thức bất bạo động là hình thức đấu tranh bằng mít tinh, tuần hành, biểu tình phản ứng với chính quyền đương nhiệm về những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong quản lý bộ máy; về nạn tham nhũng; cáo buộc có gian lận bầu cử hoặc thiếu dân chủ; về việc thổi phồng những bất ổn xã hội và bức xúc trong nhân dân… Chính phủ rơi vào khó khăn trong kiểm soát xã hội. Từ đó, xung đột giữa người dân và Chính phủ ngày càng gay gắt, gây ra hiểu lầm, dẫn đến biểu tình đường phố, bạo loạn và thậm chí xung đột bằng vũ khí gây thương vong cho nhiều người dân thường.
Mục đích của cuộc "cách mạng màu" là các thế lực bên ngoài lợi dụng những mâu thuẫn về sắc tộc - xã hội - tôn giáo nhằm câu kết với những đối tượng đối lập, “kẻ cơ hội chính trị” trong nước vạch kế hoạch, thực hiện đấu tranh, dưới chiêu bài hứa hẹn tạo ra Chính phủ mới tốt đẹp hơn, ảo tưởng về một xã hội văn minh hơn nhưng thực chất là sự bất ổn, bạo động mất kiểm soát; đời sống người dân rơi vào tình thế ly tán, chết chóc…. Không đơn thuần là lôi kéo, dụ dỗ, người thiếu hiểu biết, thành phần bất mãn chính trị, mà còn có sự tham gia của thanh niên trí thức cấp tiến, được huấn luyện tổ chức, tập dượt và được đầu tư về vật chất, tài chính.
Biểu tình ở quảng trường Maidan, Kiev, Ucraina
Những bất ổn chính trị ở Ucraina chính là minh chứng rõ rệt cho thấy rõ thủ đoạn và những ảo tưởng được xây dựng từ "cách mạng màu". Diễn biến từ khủng hoảng chính trị bầu cử Tổng thống (năm 2004), chủ yếu giữa hai ứng cử viên là Thủ tướng Vichto Yanukovich và thủ lĩnh phe đối lập Yusenko chủ trương hướng đất nước về phía Tây với sự gia nhập EU và NATO. Các lực lượng bên ngoài đã chuẩn bị kịch bản rất kỹ lưỡng cho việc biểu tình, kích động và lôi kéo mỗi người xuống đường biểu tình nhận từ 5 - 30 USD/ngày. Do đó, phe đối lập đã lôi kéo một lực lượng lớn, chủ yếu là thanh niên, sinh viên tham gia biểu tình. Niềm hy vọng “dân chủ, tự do” theo Mỹ và phương Tây biến thành sự thất vọng tràn trề, bởi sự nghèo đói, chết chóc của người dân. Người dân đã thật sự tuyệt vọng, như con rối trong tay những kẻ cơ hội đang theo đổi quyền lợi cho số ít đương nhiệm chứ không đoái hoài đến cuộc sống yên ổn, hạnh phúc và thịnh vượng của người dân. Đó chính là, thực tế thay đổi trạng thái tồi tệ này sang trạng thái tồi tệ khác, gây hậu quả trầm trọng cho nhiều thế hệ dân thường. Không ai có thể hình dung ra viễn cảnh một trong những nước cộng hòa giàu có nhất Liên bang Xôviết trong quá khứ lại rơi vào cảnh bần cùng, hỗn loạn, dẫn đến “cách mạng màu” lần thứ hai năm 2014 là không thể tránh khỏi.
Hiện nay, đối tượng của “cách mạng màu” hết sức đa dạng. Nếu như trước đây, đối tượng nhắm đến là các quốc gia theo chế độ XHCN thì hiện nay “cách mạng màu” còn diễn ra ở các nước có chế độ đa nguyên, đa đảng với mục tiêu phá hoại nền độc lập của các quốc gia, lập ra đảng phái chính trị đi theo quỹ đạo do Mỹ và phương Tây định đoạt. Từ việc thay đổi đối tượng nên trong những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, thế giới chứng kiến hàng loạt cuộc “cách mạng màu” nổ ra ở các nước có thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng thuộc Trung Đông và Bắc Phi hay khu vực Đông Âu là Gruzia, Ukraina… dẫn đến các quốc gia đó rơi vào tình trạng bất ổn chính trị và hệ quả của nó vẫn kéo dài đến tận ngày nay.
Gia tăng việc thực hiện các cuộc “cách mạng màu” trên mạng xã hội. Thời gian qua, thông tin, hình ảnh về biểu tình, bạo loạn tại Venezuela, Bangladesh, Myanmar… từ biểu tình chống chính phủ sang xung đột vũ trang và sắc tộc tràn lan trên mạng xã hội như Facebook, Telegram, Youtube, tiktok… các đối tượng chống đối tích cực sử dụng mạng xã hội để lan truyền những thông tin, luận điệu, quan điểm độc hại, hô hào tiến hành các “chiến dịch” mang màu sắc “cách mạng màu” trên mạng xã hội như: thực hiện chiến dịch “mùa xuân Đông Á” thông qua việc gắn hashtag #EastAsianSpring (hashtag được sử dụng để mô tả các chủ đề trên các trang web mạng xã hội); chiến dịch uống trà sữa, chống độc tài, tranh đấu cho tự do bằng việc gắn hashtag #MilkTeaAlliance”. Sử dụng hashtag để làm nóng những vấn đề, sự kiện được quan tâm, các đối tượng tiến hành chia sẻ, lan truyền những thông tin sai trái, tập hợp lực lượng, châm ngòi các cuộc bạo loạn.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong, các đối tượng chống đối đã triệt để lợi dụng những vụ việc trên để tiến hành các hoạt động xuyên tạc thông tin và hướng lái dư luận theo mục đích khác. Thông qua các hình thức bình luận chuyên đề, hội luận, lồng ghép ý đồ xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ dân tộc và vai trò lãnh đạo của Đảng, tiến tới kích động bạo loạn, biểu tình tại Việt Nam. Các trang như Việt Tân, Chân trời mới Media thì tung hứng kiểu “Liệu Việt Nam có giống như Venezuela”; “chúc mừng người dân Bangladesh thay đổi chế độ độc tài, bao giờ tới Việt Nam”…
Qua những cuộc biểu tình, bạo loạn, xung đột vũ trang theo hướng “cách mạng màu”, dễ dàng nhận thấy không gian mạng là một trong những phương tiện truyền thông quan trọng được các thế lực thù địch và các đối tượng chống đối triệt để lợi dụng nhằm tung tin xuyên tạc, kêu gọi, tổ chức tập hợp người dân, ban đầu là theo các phong trào đường phố, tiến tới đi đến bạo loạn, tấn công lực lượng cảnh sát, quân đội, gây tê liệt, sụp đổ chính quyền. Từ đó, các thế lực thù địch dựng lên những chính quyền tay sai không có quyền lực thực tế hoặc đất nước bị xâu xé bởi những phe phái chính trị, vũ trang sắc tộc, tôn giáo…
Tại Việt Nam, từ lâu các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng không gian mạng, có mục tiêu tôn chỉ được tổ chức khá chặt chẽ, bài bản nhằm thực hiện âm mưu “cách mạng màu” và đã gây ra một số vụ việc phức tạp, gây rối an ninh, trật tự.
Đối tượng mà các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong nhắm đến là số đối tượng chống đối trong nước, những người có định kiến với Đảng, Nhà nước, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, các tổ chức phản động tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia vào các hội nhóm do chúng lập ra; thâm nhập vào các diễn đàn, mạng xã hội, nhất là đối với giới trẻ để phát hiện, tập hợp lực lượng, xây dựng ngọn cờ, tiến tới hình thành và công khai hóa tổ chức núp dưới danh nghĩa các tổ chức xã hội dân sự hay tổ chức phản biện xã hội.
Lợi dụng những vấn đề nóng trong đời sống xã hội như ô nhiễm môi trường, khiếu kiện đất đai, chủ quyền biển đảo, các đối tượng đưa ra các thông tin sai trái, xuyên tạc “chính quyền đàn áp dân”, từ đó kêu gọi tụ tập gây rối, biểu tình, bạo loạn, đập phá trụ sở, tài sản, tấn công cảnh sát, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại sự ổn định phát triển đất nước. Hầu hết các tổ chức phản động đều xây dựng tài khoản mạng xã hội tổ chức thành hệ thống các kênh truyền thông, chỉ đạo chặt chẽ từ bên ngoài thông qua các phần tử chống phá bên trong.
Với những hoạt động chống phá thời gian qua có thể nhận thấy các chiêu trò, thủ đoạn như: phá hoại nền tảng tư tưởng, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gây mâu thuẫn nội bộ, công kích, bôi nhọ và hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; thông qua truyền thông mạng xã hội để kêu gọi, kích động biểu tình, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Chỉ trích Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, tự do Internet, khuyến khích các đối tượng trong nước sử dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động chống phá quyết liệt hơn bằng cách trao các giải thưởng, đề cử vinh danh hay đưa Việt Nam vào danh sách “kẻ thù của Internet”, vi phạm tự do dân chủ, nhân quyền. Bên cạnh đó, các tổ chức phản động lợi dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động gián điệp, thu thập tin tức chống Việt Nam thông qua việc tung ra những phần mềm chứa các mã độc, phần mềm gián điệp được cài sẵn, các ứng dụng miễn phí trên điện thoại. Chúng sử dụng kỹ thuật hiện đại, lợi dụng lỗ hổng bảo mật để xâm nhập chiếm đoạt bí mật nhà nước, lấy cắp thông tin nội bộ, các phát minh, sáng chế nhằm gây thiệt hại cho kinh tế nước ta.
Lợi dụng việc lực lượng quân đội tiến hành đảo chính tại Thái Lan, Myanmar,… các đối tượng chống phá gia tăng hoạt động xuyên tạc về vị trí, vai trò của lực lượng vũ trang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản với lực lượng vũ trang tại Việt Nam. Nhiều bài viết có nội dung sai trái, bôi nhọ lực lượng vũ trang như: “Quân đội Việt Nam cần phải cải tổ”, “Chính trị hóa quân đội, mối nguy khôn lường cho đất nước”… Luận điệu được các đối tượng xấu rêu rao là đòi lực lượng vũ trang phải “phi chính trị hóa”, phải “trung lập”, cho rằng lực lượng vũ trang “chỉ cần trung thành với Tổ quốc”…
Nâng cao cảnh giác, góp phần phòng ngừa, vô hiệu hoá âm mưu thực hiện “cách mạng màu”
Đằng sau những luận điệu tưởng chừng như đầy “thương cảm” cho các quốc gia chìm trong bạo loạn Myanmar, Bangladesh,… thực chất lại là những bộ mặt xảo trá. Núp dưới vỏ bọc “yêu nước”, đấu tranh vì “dân chủ”, “nhân quyền”, các thế lực phản động, chống đối, cơ hội chính trị đã gieo rắc những quan điểm, nhận thức, đánh giá phiến diện, chủ quan, sai lệch nhằm đánh lạc hướng dư luận, từ đó lôi kéo, dụ dỗ, hướng lái những người nhẹ dạ, cả tin tham gia vào các hoạt động chống phá.
Với các hình thức bạo loạn lật đổ mang tính manh động, thiếu kiểm soát thì những mâu thuẫn về dân tộc và tôn giáo càng bị khoét sâu, trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, sự can dự từ bên ngoài của các nước lớn với những mưu đồ chính trị riêng, điều mà tầng lớp dân nghèo và người lao động khó có thể tiếp cận để hiểu rõ đã làm méo mó, biến dạng các mục tiêu ban đầu của các cuộc nổi dậy. Truyền thông và mạng xã hội cũng được cho là một tác nhân tiêu cực cả trước, trong và sau các vụ bạo loạn, lật đổ, khiến tình hình ngày càng trở nên mất kiểm soát, ngoài mong muốn của phần lớn những người từng tham gia biểu tình, bạo loạn, lật đổ trước đây.
Tập trung xây dựng và phát huy vai trò của thông tin chính thống trên các nền tảng truyền thống và phát triển thông tin chính thống trên không gian mạng, qua đó cung cấp thông tin kịp thời và chính xác, tránh tạo khoảng trống thông tin để các đối tượng phản động lợi dụng phát tán các thông tin xuyên tạc. Tạo ra không gian an toàn cho nhân dân được tiếp cận với thông tin chính thống để “miễn nhiễm” thông tin xuyên tạc, sai sự thật, kích động từ các tổ chức và đối tượng chống đối.
Tăng cường công tác vận động, nhất là vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Tập trung phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao trình độ dân trí, đảm bảo đời sống cho nhân dân, từ đó người dân yên tâm lao động, đời sống nâng cao thì không dễ để nghe theo các đối tượng kích động, lôi kéo. Bên cạnh đó, cũng cần công khai, minh bạch, xử lý và thông tin kịp thời những vụ việc phức tạp để người dân được tiếp cận tình hình, không để các thế lực thù địch lợi dụng, bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận.
Quan tâm đến công tác tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là thông tin về bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch với sinh viên, thanh niên, trí thức (lực lượng chiếm tỷ lệ đông đảo trong các cuộc biểu tình của “cách mạng màu” đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới) hiểu rõ âm mưu và bản chất của “cách mạng màu”, tránh xa các tổ chức đội lốt xã hội dân sự, các phong trào mạo danh “yêu nước” nhưng thực chất là kêu gọi tụ tập, gây rối an ninh, trật tự; cảnh giác với các khoản học bổng núp dưới danh nghĩa tổ chức phi chính phủ (NGO) hoặc các tổ chức dân sự trá hình....
Những thành tựu phát triển về mọi mặt của Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho thấy sự nghiệp cách mạng đang đi đúng hướng. Môi trường hòa bình, ổn định, tình hình an ninh, chính trị được giữ vững là nền tảng, cơ sở quan trọng, tiên quyết để thúc đẩy phát triển, đảm bảo tự do, dân chủ, nhân quyền. Việc lợi dụng tình hình bất ổn tại một số quốc gia, vùng, lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới để rêu rao, lan truyền các luận điệu kích động biểu tình, bạo loạn là hoàn toàn sai trái, cần nhận diện để đấu tranh.
Phạm Quốc Thọ - Phó Trưởng Công an xã Hải Triều