Dị Chế của huyện Tiên Lữ là xã có truyền thống lâu đời với những ngôi làng có lịch sử hình thành cả trăm năm. Nơi đây có nhiều dòng họ lớn, cũng là nơi có các di tích lịch sử, văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng.
Ngôi nhà cổ của gia đình ông Vũ Văn Táp hiện ra tựa như trong cổ tích vậy. Một lối đi nho nhỏ, những tán cây xanh mát và khoảng sân không quá rộng nhưng cũng đủ cho ngày mùa phơi phóng và những buổi chiều tràn ngập tiếng nô đùa của trẻ nhỏ...
Đây mái ngói in màu thời gian, đây bức tường đã hằn vệt rêu cũ, nhưng trong căn nhà vẫn ấm cũng, tỏa mùi hương trầm thơm nhẹ nhẹ, cột kèo nhẵn bóng in vết thời gian. Theo lời trò chuyện của bác chủ nhà, ngôi nhà là “của thừa kế” từ đời các cụ, có tuổi đời trên trăm năm. Với thiết kế 5 gian, tường gạch, khung bằng gỗ lim, gỗ xoan, cửa gỗ làm theo lối cổ. Ngước lên xà nhà, hoa văn trang trí và từng hàng chữ nho được khắc tay điêu luyện khiến khách thăm quan muốn ngắm nhìn mãi.
Ngôi nhà gia đình ông Vũ Văn Táp- Thôn Dị Chế, xã Dị Chế
Xã Dị Chế hiện nay còn lưu giữ được 6 ngôi nhà cổ có tuổi đời từ trên 100 năm. Không chỉ là vật cổ được lưu giữ, những ngôi nhà này vẫn còn nguyên vẹn giá trị sử dụng. Đời này qua đời khác, từ ông bà đến các con, các cháu đều sinh sống quây quần, đầm ấm dưới những nếp nhà thuần Việt này.
Gia đình của ông Vũ Ngọc Châu cũng đã nhiều đời nối tiếp nhau sinh sống trong ngôi nhà cổ được ông cha truyền lại. Ông cho biết: Chỗ nào hỏng hóc thì sửa chữa lại, nhưng tất cả kiến trúc, hình thái, kết cấu vẫn được gia đình giữ nguyên. Không biết có phải do ở lâu đã quen hay vì các cụ xưa tài giỏi trong xây dựng nhà cửa mà bao năm gió bão nhà vẫn vững chắc, mùa đông ấm áp, mùa hè lại mát mẻ. Khi có việc phải xa nhà, qua một đêm trong ngôi nhà hiện đại bốn mặt bê tông, tôi ngủ cũng không ngon giấc.
Ngôi nhà của ông Châu được xem là một trong những ngôi nhà cổ quý giá nhất trong xã nhờ kết cấu hoàn toàn bằng gỗ lim. Từ những chiếc cột vuông vắn bằng thân lim nguyên khối đến những xà, kèo... tất cả đều là thứ gỗ lim đã ngả màu đen bóng, thớ gỗ mịn màng, vân gỗ đẹp như có người vẽ, và tuyệt nhiên không thấy có chút dấu vết mối mọt.
Trong nhà, ông Châu cho bài trí đúng theo lối sinh hoạt xưa, bộ tràng kỷ, tủ chè cũng đã bóng lên vết thời gian, 2 chiếc giường kê hai bên gian hông cũng được giữ gìn từ đời ông bà để lại. Ngoài sân, ông Châu cho lát gạch đỏ, cạnh sân là giếng khơi, bể nước mưa, kế đó là chiếc bếp nho nhỏ cũng đã được xây dựng từ ngày xây nhà cư sớm, chiều lại lơ thơ khói rạ. Ông Châu tâm sự, các cháu cũng sắm bếp ga, nhưng tôi chỉ dùng khi nhà có việc hoặc lúc nào cần nấu nhanh cho tiện, còn lại cơm canh hàng ngày vẫn thích nấu nướng bằng bếp rơm, bếp củi. Nhất là những khi trời lạnh, ngồi trong bếp, nghe ngoài trời mưa phùn lây rây, để lửa bập bùng bên xoong cơm bằng gang, niêu cá kho giềng chạy cạnh, thấy sao mà ấm cúng thế...
Theo truyền dạy của các cụ xưa, nhà khi xây phải được xem đất, xem hướng, xem tuổi. Không phải vấn đề mê tín mà ở vấn đề phong thủy, thổ nhưỡng. Như nền móng có chắc thì nhà mới vững, hướng gió có tốt thì nhà mới mát mẻ mùa hè, ấm áp mùa đông, người sống trong nhà mới khoan khoái khỏe mạnh. Năm xây cất thời tiết phải thuận lợi thì kết cấu ngôi nhà mới vững chắc, bền bỉ. Trước nhà phải có vườn tược, ao chuôm mới thoáng đãng; sau nhà phải có cây cối mới mát mẻ. Buổi sáng thức dậy có thể nghe được tiếng chim hót sau nhà, tiếng cá lội dưới ao, không khí trong lành, tự nhiên tinh thần con người sẽ thoải mái, sức khỏe mới tốt, làm gì cũng thuận.
Là một người trẻ thuộc thế hệ 9X, nhưng mỗi lần về quê, em Vũ Thị Hoa lại rất tự hào về ngôi nhà cổ của gia đình. Nhiều lần rủ cả bạn bè về chơi, cứ như được sống một cuộc sống khác, bình yên và tĩnh tại. Giữa biết bao kiến trúc hiện đại ngày nay, nhà cao tầng, nhà mái bằng, nhà kiểu Thái... Một ngôi nhà thuần Việt vẫn đẹp đẽ, có sức hút với mọi lứa tuổi và làm xao xuyến lòng người đến vậy.
Ngôi nhà của gia đình ông Vũ Ngọc Châu- Thôn Dị Chế, xã Dị Chế
Đây chính là cảm hứng nguồn cội để nhiều gia đình hôm nay xây nhà mới dựa theo kiến trúc của ông cha và học hỏi những cái hay, cái đẹp trong từng nếp nhà. Văn hóa đời sống từ nghìn đời như nơi trang trọng thờ cũng tổ tiên, sập lớn dành cho cao niên, buồng nhỏ dành cho vợ chồng, trẻ nhỏ. Rồi văn hóa sinh sống đa thế hệ, quây quần, đùm bọc, hiếu thảo. Nhiều gia đình, dù xây nhà to, hay nhà nhỏ, đắt tiền, hay bình dân cũng dựa theo lối ấy mà nên.
Bước ra từ ngôi nhà cổ, cuộc sống bình yên của những gia đình dưới nếp nhà ấy như vẫn còn vang vọng bên tai, hòa với tiếng gà gáy trưa, tiếng chim chào mào lảnh lót trên trái bếp, những hoa văn trên kèo cột và làn gió mát lành từ chiếc quạt nan trên tay cụ bà hiền hậu như xoa dịu cả tâm hồn...
Đoàn Xuân Định- Ban Tuyên giáo