CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÁC CẤP, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN TIÊN LỮ LẦN THỨ XXVII, NHIỆM KỲ 2025- 2030, TIẾN TỚI ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIV CỦA ĐẢNG
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 01/04/2025 - Lượt xem: 15
Nông dân Tiên Lữ nâng cao thu nhập từ nghề nuôi ong lấy mật

Thời điểm này, những vườn nhãn trên địa bàn huyện đang nở rộ, phủ sắc trắng trên khắp những nhà vườn, trải dài ngút ngàn tầm mắt. Đây cũng là thời điểm “vàng” để các hộ nuôi ong trên địa bàn khai thác nguồn lợi từ mật hoa nhãn.

Cứ vào tháng 3 Âm lịch hàng năm, khi hoa nhãn nở rộ cũng là thời điểm các vùng trồng nhãn ở Tiên Lữ  thu hút hàng nghìn đàn ong đến khai thác mật. Toàn huyện hiện có trên 70 hộ nuôi ong, tập trung chủ yếu ở những xã có diện tích trồng nhãn lớn như Thiện Phiến, Thủ Sỹ... Nhiều hộ nuôi với số lượng lớn như gia đình ông Trần Hữu Minh (nuôi 600 đàn), ông Nguyễn Văn Đạt (mỗi hộ nuôi 250 đàn), các hộ này đều ở xã Thiện Phiến... Hầu hết, người dân trong huyện đều chọn nuôi đàn ong ruồi bởi nhiều ưu điểm vượt trội như: tính tụ đàn cao, thế đàn đông, năng suất mật vượt trội, ít dịch bệnh, rất phù hợp để đầu tư phát triển trên quy mô lớn và cho giá trị kinh tế cao.

Theo nhiều hộ dân, nghề nuôi ong không tốn thời gian chăm sóc nhưng lại đòi hỏi sự cẩn thận, cầu kỳ, tỉ mỉ. Khó khăn nhất với người nuôi ong là làm sao để đàn ong không bỏ tổ. Người dân cần nắm được kỹ thuật, tập tính của ong để chăm sóc, quản lý, nhất là đối với việc phân tách mỗi khi đàn ong quá đông. Vụ thu hoạch mật ong hoa nhãn kéo dài từ 1 đến 1,5 tháng. Bình quân cứ 5 ngày người dân quay lấy mật 1 lần, cho thu khoảng 2 kg mật/1 đàn ong. Một vụ hoa, mỗi đàn ong cho thu từ 15 đến 20 kg mật, với mức giá hiện tại là 100 nghìn đồng/kg đến 130 nghìn đồng/kg. Mật ong ở xã Thủ Sỹ đã trở nên nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon đặc trưng của hoa nhãn, được lấy từ loại ong nuôi và hút mật từ cây hoa nhãn hoàn toàn được trồng trên đất sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để tiếp tục khai thác, nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong, thời gian tới, huyện nhà sẽ tiếp tục hướng dẫn các hộ dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi; tổ chức các đợt tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm mật ong ra các thị trường…

Mai Hương-TTVH và TT huyện

Tin liên quan