Một ngày mùa đông se lạnh năm 2024, về thăm trường Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Tiên Lữ, khi tôi ngỏ ý muốn viết một tấm gương giáo viên, thầy hiệu trưởng hồ hởi giới thiệu tôi với cô giáo Trần Thị Lựu. Nụ cười rạng rỡ của cô cuốn hút tôi ngay lần đầu gặp gỡ. Qua trò chuyện, tôi đặc biệt ấn tượng với câu nói của cô: cuộc đời các em giống như ngày đông u ám, giá lạnh, tôi luôn hi vọng ngày mai nắng lên.
Cuộc trò chuyện cởi mở hơn khi tôi đề cập đến công việc chuyên môn. Cô chia sẻ: về nhận công tác tại trường từ năm 2007, phải mất 2 tháng cô mới bắt đầu làm quen được với công việc thực tế. Thương cảm với những thiệt thòi của các em, cô đã vượt qua những khó khăn, vất vả để trụ lại với nghề suốt trong 17 năm qua. Học sinh hầu hết bị thiểu năng trí tuệ, có em khuyết tật ở tay, khó khăn lắm mới viết được chữ vào vở, có em lại bị khuyết tật ngôn ngữ, phải uốn nắn từng nét bút, tập đánh vần từng chữ cho từng em. Lớp có bao nhiêu em bấy nhiêu cách dạy khác nhau vì mỗi em chịu thiệt thòi khác nhau về sự khuyết tật.
Không khí cuộc trò chuyện bỗng trầm lại khi tôi hỏi cô về những ngày đầu đến lớp, cô tâm sự: Khi mà về đây thì mọi người cũng nói là rất nhiều và lo lắng liệu đi dạy những trẻ không lành lặn sẽ như thế nào. Nhưng khi gắn bó với các em tôi cảm thấy rất gần gũi và thương các em nhiều hơn. Sau một thời gian gia đình, bạn bè và chồng cũng luôn ủng hộ, tạo điều kiện hết mình.
Hằng ngày, bất kể thời tiết nắng, mưa hay giông tố, bão bùng, 6 giờ 30 phút cô đều đã có mặt ở trường. Công việc nuôi dạy trẻ bình thường đã vất vả, nuôi dạy trẻ khuyết tật lại càng khó khăn gấp nhiều lần. Đòi hỏi cô giáo phải thật sự như người mẹ hiền đúng nghĩa, hết lòng thương yêu, quan tâm, chăm sóc các cháu như con đẻ của mình từ miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân, học hành cho đến việc rèn luyện, uốn nắn những hành vi lệch lạc của các em. Hình ảnh cô cần mẫn ngồi xoa bóp cho các em bị khuyết tật chân, có khi lại chơi xếp hình với em bị thiểu năng trí tuệ khiến tôi vô cùng xúc động và càng thêm cảm phục tấm lòng của cô với trẻ.

Cô giáo Lựu dạy các em học sinh học
Có lẽ, không niềm vui, niềm hạnh phúc nào hơn khi học sinh của cô của cô dạy dỗ chăm sóc đã trưởng thành, hòa nhập cuộc sống, ví dụ như: Em Hoàng Việt Thanh, em Hoàng Văn Công ở Ân Thi, em Nguyễn Văn Duy ở Phù Cừ đã có công ăn việc làm ổn định; hay các em Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Hoàng Hải, Nguyễn Minh Châu, v.v. đã theo học được lớp 1. Hòa nhập cuộc sống cộng đồng, các em luôn nhớ về cô và dành cho cô những lời yêu thương nhất. Em Nguyễn Văn Công xúc động nói: Cô Lựu là cô giáo tốt của em và dạy hay em rất quý cô. Cô giảng bài hay nếu mình không biết cô vẫn kiên trì giảng lại. Cô cũng thường xuyên quan tâm, hỏi han, động viên em cũng như các bạn. Cô như người mẹ thứ 2 của em vậy
Còn đây là nhận xét của cô giáo Nguyễn Thị Huế - giáo viên nhà trường: Dạy dỗ học sinh biết đọc, biết viết, biết vệ sinh cá nhân là những việc nhỏ và hết sức bình thường. Nhưng nhìn những đứa trẻ đặc biệt, các em còn nhỏ trong lớp của cô Lựu, có thể làm thuần thục được những điều bình thường ấy mới thấy được nghị lực phi thường cũng như tấm lòng cao quý của cô giáo. Với các giáo viên của trường, cô cũng luôn hòa đồng, trao đổi kinh nghiệm trong nuôi dạy các em nhiệt tinh.
17 năm gắn bó với nghề, dù khó khăn, vất vả là vậy nhưng chưa bao giờ cô có ý định từ bỏ hay thấy hối hận về lựa chọn của mình. Cô tâm sự: Mỗi ngày nhìn thấy sự tiến bộ của các con là dường như chúng tôi quên bớt sự mệt mỏi. Chúng tôi thực sự vui mừng, xúc động khi các con tự làm được những công việc tưởng chừng đơn giản như: biết chào hỏi, tự chăm sóc chính bản thân mình, nói được một từ, nghe được một chút âm thanh…”.
39 tuổi! 17 năm thanh xuân miệt mài, thầm lặng bên đàn con khuyết tật. Công việc đặc thù với biết bao khó khăn, vất vả, nhưng cô Trần Thị Lựu - giáo viên trường phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Tiên Lữ vẫn luôn tràn đầy lạc quan với nụ cười thường trực trên môi. Nụ cười tỏa nắng của cô như đang hàng ngày truyền lửa cho bao phận đời kém may mắn, tiếp thêm nghị lực để các em vượt qua mặc cảm vươn lên trong tràn đầy hi vọng: ngày mai nắng lên./.
Mai Hương- Trung tâm văn hóa và truyền thanh huyện