Siêu bão Yagi (Việt Nam gọi là Cơn bão số 3) là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua, mạnh nhất trên đất liền khu vực Đồng bằng Bắc bộ trong vòng 70 năm qua, với sức gió khi vào đất liền giật cấp 11, 12 và đặc biệt là tồn tại lâu bất thường với sức gió mạnh. Cơn bão là một lần trong đời đối với nhiều người.
Đánh giá mức độ nghiêm trọng của cơn bão, ngay từ khi cơn bão còn xa đất liền, công tác phòng chống Bão số 3 đã được các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động tất cả các nguồn lực sẵn có cho công tác phòng chống bão nhằm phòng ngừa ảnh hưởng, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục chỉ đạo các bộ ban ngành, các tỉnh, thành phố không chủ quan, tích cực chủ động cho công tác phòng chống Bão số 3, tạm dừng các cuộc họp, công việc chưa cần thiết để tập trung vào chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống bão. Đặc biệt là các lực lượng vũ trang đã huy động tất cả lực lượng, ứng trực 100% quân số trước trong và sau bão, sẵn sàng thực hiện các mệnh lệnh của cấp trên khi có yêu cầu nhằm đảm bảo an ninh trật tự, sơ tán dân, cứu nạn cứu hộ.v.v…
Khi bão đổ bộ vào đất liền, với sức gió rất mạnh, tồn tại nhiều giờ, quét qua các tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc bộ, mà tâm bão bao trùm 7 tỉnh thành phố, nặng nhất là các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, đã tàn phá nặng nề các công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng giao thông.v.v…không một lĩnh vực nào không bị ảnh hưởng mặc dù đã có chuẩn bị nhưng thiệt hại là không thể tránh khỏi do sức tàn phá của cơn bão là quá lớn, sau gió lớn là mưa to, lượng mưa nhiều nơi lên đến trên 500 mm, khiến sông suối ngập tràn, gây ra các vụ sạt lở đất nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Tính tổng thiệt hại sau cơn bão số 3: trên 300 người chết và mất tích; thiệt hại về tài sản hàng trục nghìn tỷ đồng; hậu quả của cơn bão gây ra, chúng ta phải khắc phục trong thời gian dài nữa.
Ngay sau khi cơn bão đi qua, các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương khẩn trương tập trung khắc phục hậu quả của cơn bão. Bộ Chính trị có phiên họp riêng để nghe báo cáo thiệt hại của cơn bão Số 3 và chỉ đạo các biện pháp khắc phục; phân công các đồng chí trong Bộ Chính trị trực tiếp xuống các địa phương có thiệt hại nặng nhất để chỉ đạo ngay các biện pháp, thực hiện các công việc cần làm ngay, biện pháp khẩn cấp thuộc thẩm quyền quyết định của Trung ương nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; hỗ trợ ngay tiền, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ người dân vùng bão và ảnh hưởng của bão. Các tổ chức chính trị xã hội, hội đoàn thể cũng khẩn trương thực hiện các công tác cứu trợ, kêu gọi hỗ trợ, ủng hộ đồng bào bão lũ, nhiều cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đã ủng hộ tiền, vật chất cần thiết, rất nhiều đoàn cứu trợ của các tổ chức trong, ngoài hệ thống chính trị đã có mặt tại những vùng khó khăn nhất, ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão. Có thể nói, mọi trái tim, khối óc của người Việt Nam đều hướng về đồng bào vũng lũ, nhiều tấm lòng, cử chỉ cao đẹp, tinh thần tương thân tương ái đã được phát huy cao độ.
Có thể thấy năng lực dự báo của chúng ta đã được nâng lên rõ rệt, công tác dự báo đã đánh giá đúng hướng đi, sức gió, ảnh hưởng sau bão, vùng ngập lụt, sạt lở sau bão. Công tác lãnh đạo chỉ đạo từ trung ương đến địa phương rất tích cực khẩn trương, không chủ quan lơ là, huy động mọi nguồn lực, cả trong và ngoài hệ thống chính trị vào ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão. Tinh thần tương thân tương ái, “tình đồng chí, nghĩa đồng bào” của người Việt Nam, tinh thần vượt khó khăn gian khổ, tự lực tự cường của chúng ta lại được phát huy hơn bao giờ hết. Những điều đó đã giúp giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Nhưng có một điều thấy rất rõ trong cơn bão Yagi này: trước thiên nhiên, con người chúng ta thật bé nhỏ; hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu là hiện hữu và Việt Nam là một trong các quốc gia hàng đầu bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Trần Tuấn Cường- Công an huyện