CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÁC CẤP, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN TIÊN LỮ LẦN THỨ XXVII, NHIỆM KỲ 2025- 2030, TIẾN TỚI ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIV CỦA ĐẢNG
Kinh tế
Đăng ngày: 07/03/2025 - Lượt xem: 50
Tiên Lữ tăng cường chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ lúa xuân

Hiện nay, nông dân trên địa bàn huyện đã cấy xong các trà lúa vụ xuân năm 2025 và đang tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc, bón phân cho lúa sinh trưởng, phát triển.

Nông dân xã Hải Thắng đang chăm sóc lúa Xuân

Vụ Xuân năm 2025, huyện Tiên Lữ gieo cấy với tổng diện tích 3.400ha. Trong đó cơ cấu nhóm giống lúa chất lượng cao chiếm hơn 70% diện tích gieo cấy, gồm các giống: Đài Thơm 8, ADI168, Hana số 7, Hương Bình, nếp các loại,... Nhóm giống lúa năng suất cao chiếm khoảng 30% diện tích, gồm: VNR20, Thiên Ưu 8, TBR225, các giống lúa lai,...Nhờ chuẩn bị tốt giống, vật tư nông nghiệp ngay từ đầu vụ và gieo cấy đúng khung lịch thời vụ nên đến thời điểm này các trà lúa xuân trên địa bàn huyện đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh.

Trong những tuần vừa qua, ở các tỉnh Bắc Bộ thời tiết liên tục có mưa phùn, độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh và gây hại trên trà lúa xuân, nhất là trên những diện tích gieo trồng giống nhiễm bệnh, bón thừa đạm, ngoài ra thời gian này chuột cũng tiếp tục phát triển gây hại mạnh trên lúa xuân giai đoạn đẻ nhánh, nhất là những khu vực gần khu dân cư, gò bãi, mương máng lớn.

Trước tình hình đó, để chủ động phòng, chống sinh vật gây hại cho cây trồng, Phòng Nông nghiệp & Môi trường  huyện yêu cầu các địa phương cần tăng cường theo dõi và chủ động phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại chính trên lúa sạ, lúa mới cấy, giám sát chặt chẽ diễn biến phát sinh và gây hại của bệnh đạo ôn lá. Tiến hành phòng chống kịp thời tại những khu vực có tỷ lệ bệnh hại cao để hạn chế lây lan. Khi phát hiện sâu bệnh hại lúa cần áp dụng quy trình IPM trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tuân theo nguyên tắc “4 đúng” để giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái.

Phòng Nông nghiệp và Môi trường cũng khuyến cáo các địa phương thực hiện kế hoạch diệt chuột bảo đảm đồng loạt, liên tục và có sự tham gia của cả cộng đồng, luân phiên các biện pháp hóa học, sinh học, đặt bẫy thủ công, đào bắt... bảo đảm an toàn cho người, động vật nuôi; nghiêm cấm sử dụng điện, thuốc cấm, thuốc không có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật để diệt chuột.

Đoàn Xuân Định- Ban Tuyên giáo

Tin liên quan