Dịp Tết Nguyên đán hàng năm là cao điểm mua sắm, thị trường hàng hóa sôi động hơn bao giờ hết với những mặt hàng chủ yếu như: thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng gia dụng, quần áo, giày dép… Đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ len lỏi vào thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và sức khỏe của người tiêu dùng.
Điều đáng nói là các mặt hàng này ngày càng được sản xuất tinh vi, với nhiều chủng loại và có mặt ở khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, khiến cho người tiêu dùng rơi vào “ma trận” khi mua sắm, vì không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Bên cạnh phương thức, thủ đoạn cũ, các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn mới, khó lường như: không khai báo, khai không đúng với thực tế hàng hóa, che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột đối với hàng hóa quá cảnh.
.jpg)
Thông thường dịp Tết Nguyên đán là thời điểm nhiều doanh nghiệp tổ chức chương trình khuyến mại, xả hàng hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, không ít đối tượng đã lợi dụng chương trình này để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả do nước ngoài sản xuất nhưng gắn nhãn của doanh nghiệp Việt. Sức lôi cuốn của những loại hàng này là “ngon - bổ - rẻ”. Với tâm lý là “mua đồ hiệu giá rẻ”, chính người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng.
Một điều đáng lưu tâm nữa là bên cạnh phương thức mua sắm truyền thống, lượng người tiêu dùng lựa chọn mua sắm online thông qua các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh,... ngày một phổ biến hơn vì tính nhanh gọn, tiện lợi. Tuy nhiên, điều này cũng tạo điều kiện để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi đánh tráo, trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hậu quả là hàng hoá nhận về không đúng với chất lượng, “tiền mất tật mang”.
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không mới nhưng vẫn cần được cảnh báo thường xuyên, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán. Để xử lý hiệu quả vấn nạn này, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường với mục tiêu cao nhất là bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và uy tín của doanh nghiệp sản xuất chân chính trong nước. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự bảo vệ mình trước những chiêu trò của các đối tượng thông qua một số cách sau:
1. Mua hàng ở những đơn vị kinh doanh có thương hiệu, uy tín, có đầy đủ hóa đơn chứng từ, tem nhãn đúng quy định của pháp luật.
2. Đối với hình thức mua sắm online, người tiêu dùng cần lựa chọn những kênh mua sắm uy tín, tìm hiểu kĩ về chính sách bảo hành, chính sách đổi trả, hoàn tiền từ phía người bán để đảm bảo quyền lợi. Kiểm tra, tìm hiểu kĩ thông tin về người bán, chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác thực được mức độ uy tín của người bán và chất lượng hàng hoá.
3. Mỗi người dân cũng cần phối hợp với lực lượng chức năng trong phòng, chống vấn nạn hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm, người tiêu dùng cần phản ánh tới cơ quan quản lý hoặc cơ quan công an, cũng như chủ động chia sẻ thông tin để cộng đồng biết và phòng tránh.
Hãy là người tiêu dùng thông thái./.
(Phạm Thị Hồng Anh - Công an huyện Tiên Lữ)