Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 cùng sự phổ biến rộng rãi của mạng Internet, thói quen mua sắm của người dân đã có sự dịch chuyển rõ rệt từ hình thức mua sắm truyền thống sang mua bán online tại nhà. Sự phát triển bùng nổ của các sàn thương mại điện tử (Tiktok shop, Lazada, Shopee…) và dịch vụ giao, nhận hàng tại nhà đã tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để các hình thức lừa đảo mới xuất hiện.
“Chiêu bài cũ được các đối tượng sử dụng nhiều lần”
Không còn nhân danh cán bộ nhà nước, nhân viên ngân hàng,... các đối tượng lừa đảo nay lại giả dạng làm nhân viên giao hàng của các công ty vận chuyển uy tín trên sàn thương mại điện tử để gọi điện cho nạn nhân, thông báo đang có đơn hàng cần giao và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán và nhận hàng.
Người dân cảnh giác với thủ đoạn giả danh nhân viên giao hàng (shipper) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Để thực hiện hành vi lừa đảo các đối tượng thường sử dụng nhiều phương thức tinh vi, xảo trá nhằm làm rối tâm lý của nạn nhân từ đó thực hiện hành vi lừa đảo. Bước đầu, chúng thu thập thông tin khách hàng thông qua nhiều phương thức như: Thông tin liên hệ và mặt hàng đặt mua của khách hàng từ các bình luận hoặc tin nhắn đặt mua công khai trên livestream; tiến hành thu thập thông tin người đặt hàng từ các phần mềm, trang thương mại điện tử... Sau khi thu thập được thông tin cá nhân và đơn hàng, đối tượng lừa đảo sẽ chọn thời điểm khách hàng không có mặt tại nhà (thường vào giờ hành chính) để gọi điện thoại, giả danh là nhân viên giao hàng của đơn vị bán hàng mà khách đã mua sản phẩm và yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán đơn hàng. Để tạo lòng tin rất có thể số tiền đối tượng yêu cầu chuyển khoản sẽ nhỏ để tránh bị nghi ngờ. Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo cũng thường tạo áp lực cho khách hàng như đe dọa hủy đơn hàng nếu không chuyển khoản ngay hoặc mềm nắn rắn buông để khách hàng tin tưởng chuyển khoản.
Sau khi chuyển khoản, các đối tượng sẽ gọi điện cho biết đã gửi nhầm số tài khoản, yêu cầu nạn nhân kết bạn và nói rằng số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên "giao hàng". Đồng thời thông báo nạn nhân đã kích hoạt gói cước hội viên sẽ tự động trừ số tiền dao động từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Để hủy gói cước nạn nhân cần nhấn vào đường link lạ làm theo yêu cầu để hủy thẻ. Khi nhấn vào link lạ này và làm theo hướng dẫn rất có thể tài khoản ngân hàng của nạn nhân sẽ bị chiếm quyền và bị rút sạch tiền trong tài khoản.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn gửi cho khách hàng tin nhắn chứa đường link dẫn đến trang web giả mạo của đơn vị vận chuyển để yêu cầu nhập thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng thậm chí là cả mã OTP để rút tiền. Từ đó đối tượng chiếm được quyền sử dụng tài khoản ngân hàng của bạn và rút hết tiền trong tài khoản.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo sử dụng các tài khoản fake trên các nền tảng mạng xã hội để kết bạn, làm quen với nạn nhân. Sau đó, đối tượng sẽ giới thiệu cho nạn nhân các cách kiếm tiền online thông qua hình thức mua hàng làm nhiệm vụ ... từ đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nội dung đối tượng trao đổi với nạn nhân
Với những nội dung không mới nhưng đánh vào trạng thái bận rộn, tâm lý muốn thanh toán nhanh chóng đơn hàng và sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, các đối tượng đã thành công thực hiện hành vi phạm tội ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của người dân và tình hình an ninh trật tự.
“Những biện pháp phòng tránh trước chiêu trò mới của các đối tượng”
Trước tình hình trên, Công an huyện Tiên Lữ khuyến cáo người dân thực hiện những biện pháp sau để phòng tránh hoạt động lừa đảo của các đối tượng:
1. Khi mua hàng trên các nền tảng mạng xã hội, người dân cần chú ý trước khi chuyển khoản thanh toán đơn hàng, phải kiểm tra kỹ thông tin khi giao dịch thông qua shipper và xác nhận lại với đơn vị bán hàng hoặc dịch vụ giao hàng chính thức; chỉ chuyển tiền khi đã trực tiếp nhận, kiểm tra hàng. Người dân tránh chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc những tài khoản không rõ ràng.
2. Mỗi người dân phải tự bảo mật thông tin cá nhân, hạn chế việc chia sẻ công khai thông tin cá nhân, địa chỉ và số điện thoại công khai trên mạng xã hội hoặc trong các buổi livestream; sử dụng các kênh tin nhắn riêng tư hoặc hệ thống bảo mật để trao đổi thông tin đặt hàng với các đơn vị bán hàng.
3. Cảnh giác với những yêu cầu chuyển khoản đột ngột và không rõ ràng, có tính chất “thúc ép” chuyển tiền ngay thì nên xác nhận lại với người bán hàng qua các kênh chính thức trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn do người lạ gửi đến. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ mình bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng báo cáo cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời giải quyết.
4. Hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, do đó người dân nên chủ động truy cập để theo dõi đường đi của đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng./.
Nguyễn Nhật Anh, Công an huyện Tiên Lữ