CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÁC CẤP, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN TIÊN LỮ LẦN THỨ XXVII, NHIỆM KỲ 2025- 2030, TIẾN TỚI ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIV CỦA ĐẢNG
Quốc phòng - An Ninh
Đăng ngày: 11/12/2024 - Lượt xem: 281
Giả mạo page khách sạn, homestay lừa đặt phòng: Thủ đoạn khiến nhiều người “mất tiền oan”

Dịp cuối năm, nhu cầu du lịch của người dân ngày tăng cao, việc đặt phòng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay trực tuyến trở thành lựa chọn phổ biến vì tính tiện lợi và nhanh chóng. Lợi dụng thời điểm này, một số đối tượng đã lập nhiều trang web, facebook, zalo… giả mạo những cơ sở lưu trú rồi lừa khách chuyển tiền cọc đặt phòng vào tài khoản ngân hàng hòng chiếm đoạt tài sản.

 

Thời gian gần đây, rất nhiều trường hợp người dân bị lừa đảo khi đặt phòng khách sạn, khi nghỉ dưỡng, homestay qua mạng. Các đối tượng thường lập ra các trang web, fanpage Facebook giả mạo các cơ sở lưu trú có tiếng, sử dụng hình ảnh thật của khách sạn, resort để tạo lòng tin cho khách hàng. Sau khi nhận được tiền đặt cọc hoặc thanh toán trước, các đối tượng liền “biến mất”, người đặt cọc lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Để tăng tính thuyết phục, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng những chiêu trò hết sức tinh vi. Chúng tạo ra những trang web, fanpage Facebook, Zalo với giao diện gần như giống hệt bản gốc cả về số lượng yêu thích và lượng tương tác, thậm chí còn có cả số điện thoại đường dây nóng để tư vấn khách hàng. Khi khách hàng chuyển tiền đặt cọc, chúng sẽ tiếp tục thực hiện thủ đoạn lừa đảo bằng cách báo lỗi hệ thống hoặc lỗi do khách hàng, yêu cầu người đặt cọc phải thực hiện theo đúng hướng dẫn để chiếm đoạt tiền tài khoản rồi chặn liên lạc.

Chị B.T.N.M (Tp. Hưng Yên) cũng vừa bị mất tiền cay đắng khi đặt phòng qua mạng, mặc dù chị là người rất cảnh giác và đã có kinh nghiệm trong việc đặt phòng khi du lịch.

Cuối tháng 11 năm 2024, Chị M có nhu cầu thuê  homestay du lịch và nghỉ dưỡng ở Tà Xùa, Sơn La. Qua lời tham khảo của người quen, chị quyết định tìm và đặt phòng nghỉ của một homestay khá có tiếng để tiện đi chơi, di chuyển. Qua mạng xã hội, chị tìm được page của homestay này, với hơn 4.500 lượt thích và hơn 4.500 lượt theo dõi. Fanpage thường xuyên cập nhật hình ảnh các căn phòng, hoạt động của du khách tại khu nghỉ. Lượt tương tác trên mỗi bài viết đều khá cao. Có lòng tin ban đầu, chị đã trực tiếp nhắn tin fanpage nhờ tư vấn. Nhân viên trả lời rất nhiệt tình, chia sẻ cụ thể thông tin dịch vụ sản phẩm khu nghỉ kèm hình ảnh minh hoạ. Sau khi chốt ngày đặt phòng, nhân viên page yêu cầu chị chuyển số tiền 1.520.000 đồng để cọc tiền phòng. Do thấy số tiền không lớn và đang bận công việc, Chị M chuyển tiền theo số tài khoản được cung cấp mà không để ý đến nội dung chuyển khoản. Tuy nhiên, sau lần chuyển đầu tiên, nhân viên thông báo nội dung chuyển khoản không đúng và yêu cầu chị chuyển tiền lần 2 với đúng nội dung được tư vấn. Mưu mô hơn, các đối tượng còn trực tiếp sử dụng một nick Facebook khác gọi video call hướng dẫn thủ tục nhận lại tiền trên ứng dụng ngân hàng nhưng thực chất nhằm mục đích thu thập thông tin sinh trắc học, thông tin tài khoản để tiếp tục lừa đảo. Sau khi gọi video call và làm theo hướng dẫn, chị M mới tá hoả khi số tiền mình chuyển khoản đã lên đến con số hàng chục triệu đồng. Chị M vội vàng liên hệ với trang fanpage kia để thông báo thông tin nhưng tài khoản của chị đã bị chặn. Khi bình tĩnh dùng tài khoản facebook khác kiểm tra lại chị mới biết rằng trang page chị liên hệ đặt phòng là trang page giả mạo với số lượng theo dõi, yêu thích gần tương đương với trang page chính thức của homestay và chị M cũng chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân của trang page lừa đảo kia.

Trước tình hình trên, Công an huyện Tiên Lữ khuyến cáo người dân thực hiện những biện pháp sau để phòng tránh hoạt động lừa đảo của các đối tượng:

 1. Khi  liên hệ đặt phòng thông qua các trang web, page trên các nền tảng mạng xã hội, người dân cần chú ý kiểm tra xác nhận đúng những trang page chính thức của các cơ sở lưu trú, khách sạn, homestay. Lưu ý, những nội dung bất thường trong khi chuyển khoản, tránh chuyển hoản vào tài khoản cá nhân của nhân viên tư vấn hay tài khoản không có liên quan đến sơ sở lưu trú.

2.  Người dân có thể sử dụng nhiều cách thức để kiểm tra thông tin về các cơ sở lưu trú như: thông qua những người đã từng nghỉ tại cơ sở lưu trú đó để lấy thông tin liên lạc, tra cứu số liên lạc thông qua các trang thông tin chính thống, có mức độ an an toàn cao.

3. Cảnh giác với những yêu cầu chuyển khoản không rõ ràng, có tính chất “thúc ép” chuyển tiền ngay thì nên xác nhận lại với người bán hàng qua các kênh chính thức trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn lạ. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ mình bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng báo cáo cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời giải quyết./.

Nguyễn Nhật Anh – Công an huyện 

 

 

Tin liên quan